Làng Hiển Lễ, xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên vốn có nghề gốm cổ truyền.Theo truyền thuyết của làng thì ông Tổ nghề gốm là người Thanh Hóa, trong khi chu du thiên hạ phát chẩn cứu bần cầu phúc đã tới vùng Kẻ Rẫy (tên nôm của làng Hiển Lễ), thấy con người hiền lành chất phác, đất đai “sơn thuỷ hữu tình” ông và gia đình dừng chân sinh cơ lập nghiệp và truyền nghề gốm cho dân.
Hiện trong đình Hiển Lễ có bài vị thờ ông (đức thánh tổ Hà Tân), vợ ông (La Lang Lương thị) cùng với con trai ông (Đức thánh Trường Sinh) là người có công phò giúp vua Hùng và âm phù Hai Bà Trưng đánh giặc giúp nước, cứu dân, đã được tôn phong làm thành hoàng làng.
Đình Hiển Lễ tọa lạc ở một vị trí đẹp, rộng và bằng phẳng ở ven làng. Lúc mới khởi dựng, đình có quy mô kiến trúc rất đồ sộ với các tòa bố cục theo hình chữ “chủ”. Tuy nhiên, qua những biến cố lịch sử và tác động của điều kiện tự nhiên, kiến trúc cổ của đình nay còn tòa ống muống được cải tạo thành hậu cung 3 gian, với 5 bộ vì theo kiểu giá chiêng chồng rường, 10 cột cái khá lớn, chân cột kê đá tảng vừa để chống ấm, vừa mang ý nghĩa huyệt đạo thông tam giới. Mái đình lợp ngói mũi, kết cấu theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, vẫn còn nhiều nét cổ kính, trầm mặc.
Trên những cấu kiện kiến trúc gỗ của đình Hiển Lễ, các nghệ nhân dân gian thời xưa đã dùng đôi bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú của mình để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hết sức tinh tế, nội dung sâu sắc, phản ánh ước vọng tốt đẹp trong cuộc sống của con người đương thời. Tiêu biểu là khu vực cửa khám thờ được trang trí các hình hổ phù, rồng uốn, rồng hút nước, phượng càm thư, sen rùa và các chữ Hán làm thành những bức đại tự, hoành phi, câu đối đan xen nhau tạo thành mảng chạm khắc hết sức tinh xảo. Ba bức trần đình Hiển Lễ cũng là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc bởi trên đó là những hình họa bầu trời và các vì tinh tú, hình rồng bay, phượng múa thể hiện quan niệm về vũ trụ, về thế giới quan của con người dưới góc độ Dịch học, cũng như thể hiện tình cảm của người dân đối với các đức thánh thần tôn kính.
Ngoài ra, đình Hiển Lễ còn lưu giữ được nhiều cổ vật thuộc các loại chất liệu: gỗ, vải, đồng, giấy như: Hai cỗ ngai thánh làm thời Nguyễn được sơn son thếp vàng, đục chạm tinh tế; kiệu bát cống với lầu kiệu khá lớn hình mui thuyền, được làm từ thời Hậu Lê và các mâm xà, mâm ấu, mâm bồng, hòm sắc, cuốn thư... Đặc biệt có 6 bản sắc phong và 2 cuốn ngọc phả chữ Hán, là tài liệu thuộc dạng cổ vật độc bản, rất quý.
Theo cổ truyền, hàng năm tại đình Hiển Lễ có nhiều ngày tiệc lệ, trong đó lớn nhất là 2 kỳ tiệc: giỗ Tổ nghề gốm (30 tháng giêng) và ngày sinh thánh (mùng 5 tháng hai). Hai kỳ tiệc này rất gần nhau, các nghi lễ giống nhau, song vẫn được tiến hành thành 2 đợt rõ ràng. Tuy nhiên, khi điều kiện kinh tế của địa phương cho phép, làng tổ chức lễ tiệc và hội làng suốt 7 ngày liền kéo qua cả 2 kỳ tiệc. Bắt đầu từ tối 29 tháng giêng, cả làng đã vào hội, nhà nhà đều thắp một ngọn đèn treo ở cổng với ý nghĩa lò gốm luôn đỏ lửa. Sáng hôm sau, mỗi nhà làm một mâm cỗ thủ gia dâng ra đình làm lễ Tổ nghề. Từ ngày hôm đó, sau lễ nhập tịch, các nghi thức tế được tiến hành tuần tự mỗi ngày 2 lần trong suốt thời gian mở tiệc. Khách đến tham dự lễ hội ngoài việc tế lễ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và vui hội xuân còn tham gia giao lưu buôn bán các sản phẩm đồ gốm của làng nên thường tạo nên không khí rất đông vui, nhộn nhịp.
Nằm ở vị trí giao thông rất thuận lợi, liền kề thị trấn Xuân Hòa, cách khu du lịch Đại Lải 6km, cách thị xã Phúc Yên 6km, đình Hiển Lễ và làng gốm Hiển Lễ có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút được đông đảo khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của vùng như kiến trúc nghệ thuật của đình làng, nghề gốm truyền thống hay lễ hội dân gian... Đồng thời còn có thể phát triển một nghề gốm có tính thương mại, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.