Cập nhật: 20/05/2013 13:56:50 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngôi đền thờ nhà giáo Đỗ Khắc Chung ở làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, được xây dựng từ khoảng giữa thế kỷ XIV trên nền lớp học cũ mà nhà giáo Đỗ Khắc Chung dùng làm nơi dạy học cho nhiều thế hệ con em dân làng Quan Tử - tức làng Gốm xưa, dân quen gọi là miếu cụ Đỗ.

Lớp học của cụ có dáng như ngọn bút lông, trước mặt có thế đất thấp như hình một nghiên mực, vậy nên nơi đây từ khi cụ Đỗ về dạy, việc học hành phát đạt, khoa mục nối đời đỗ đạt nên gọi là làng “Quan Tử”. Dân làng lập đền miếu thờ cụ Đỗ như là vị thần thành hoàng làng.

 

Khoảng thế kỷ XVIII, do ân đức của cụ Đỗ sâu rộng , đã cảm hoá đời sống tinh thần của đông đảo nhân dân trong vùng, người về tế lễ ngày một đông, nên dân đã dỡ bỏ miếu cũ, dựng tam quan, tiền tế, trung tế và hậu cung, tôn cao nền, sân lát gạch khang trang, từ đó gọi là đền Đỗ Khắc Chung, cho đến năm 1929, đền được trùng tu, sửa chữa truyền lại cho đến nay.

 

Đền hiện nay có kiến trúc mặt bằng kiểu “nội đinh, ngoại nhất” qua cổng tam quan 2 tầng 4 mái tới sân đền lát gạch vuông rồi vào tiền tế (5 gian), đến toà trung tế 3 gian nằm song song và kề bờ mái với toà tiền tế, trong là hậu cung 3 gian nối với trung tế theo hình chữ “đinh” (chuôi vồ), tổng diện tích xây dựng tới 600m2. Kiến trúc đền không lớn nhưng chắc khoẻ, nhiều đề tài chạm khắc mỹ thuật dân gian trên chất liệu gỗ truyền thống được bố trí từ các chi tiết kiến trúc trên cổng tam quan, tiền tế, trung tế, hậu cung, trên đồ thờ… là những thành phần góp dựng nên những giá trị văn hoá - nghệ thuật của di tích kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII).

 

Đền còn lưu giữ nhiều tư liệu hiện vật quý như: Một bản thần phả (chữ Hán) do Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), một bia đá (văn chỉ) tạo năm Tự Đức Mậu Dần (1878) ghi danh các bậc tiên hiền liệt vị, những người đỗ đạt ở làng Quan Tử. Đặc biệt có bản phả lục về sự tích Đỗ Khắc Chung - công thần nhà Trần do Hàn Lâm Lễ Viện quan Đông các Đại học sĩ Lê Tung soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) cho biết rằng: Đỗ Khắc Chung khi đang dạy học ở Quan Tử, được vua Trần Nhân Tông tuyển vào sảnh viện, với tài học rộng, ông được giao sứ mệnh đi hoà nghị với ô Mã Nhi (quân Mông Cổ trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông), tạo kế hoãn binh chuẩn bị lực lượng để đánh tan cuộc xâm lược Nguyên Mông năm 1284 - 1285.

 

Ông cũng còn được giao đi đón công chúa Huyền Trân (hậu chúa Huyền Trân Chiêm Thành) về nước Đại Việt năm 1307. Nguyên do: Công chúa Huyền Trân được gả cho chúa nước Chiêm, khi chúa Chiêm chết, theo tục Chiêm thì Hoàng Hậu cũng phải vào dàn thiêu chết theo, vua Trần giao Đỗ Khắc Chung đương giữ chức Nhập nội hành khiển Thượng thư tả bộc xạ sang Chiêm lập mẹo mà đón công chúa Huyền Trân trở về.

 

Ông là người có học vấn cao, uyên bác về ngoại giao, quân sự, thông thái văn chương được người đời khen là giỏi. ông phục vụ qua 4 đời Vua nhà Trần là: Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông và Hiển Tông, làm quan tới chức “Đồng Trung thư môn hạ bình chương sự” chỉ sau chức Tể tướng và được ban Quốc tính là Trần Khắc Chung.

 

Nay, cứ đến ngày 3 tháng 10 âm lịch (là ngày Đỗ Khắc Chung mở trường dạy học), làng tổ chức làm ngày lễ chính, đồ lễ gồm: Trâu đực 1 con, to, khoẻ, ngoan ngoãn, chịu phục thần, thui rơm nguyên con, màu vàng, nguyên dạng không nứt nẻ. Bánh dày to 7 cái - đường kính 50cm. Hai thứ trên được rước vào đền đi theo hình chữ “á” theo tự dạng chữ “hán” đặt giữa nhà tiền tế rồi mới bắt đầu các nghi thức tế lễ. Qua 2 ngày lễ hội, đồ lễ được phá cỗ, chia lộc cho tất cả mọi thành viên trong làng thụ hưởng.

Đền thờ Đỗ Khắc Chung cùng với đền Trần Nguyên Hãn, chùa Vĩnh Phúc, đình Bác Cổ là cụm di tích lịch sử văn hoá đặc sắc của xã Sơn Đông và huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tệp đính kèm