"Dù ai đi đâu ở đâu
tháng giêng 17 chọi trâu thì về
dù ai buôn bán trăm nghề
tháng giêng 17 nhớ về chọi trâu"
Đến hẹn lại lên, ngày 7/2 tức 16 tháng giêng năm Nhâm Thìn, Đảng ủy - UBND xã Hải Lựu huyện Sông Lô long trọng khai mạc lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu năm 2012. Dự lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Thế Trường - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh, đại diện một số ban, ngành của tỉnh, cùng đông đảo nhân dân và khách thập phương.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu diễn ra trong ngày 16 và ngày 17 tháng giêng hàng năm, gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành từ tháng 09 âm lịch năm trước đến ngày 16 tháng giêng năm sau, gồm có: Lễ trình trâu, lễ rước và lễ dâng hương. Phần hội được chờ đợi và đón xem nhất.
Từ tờ mờ sáng, tất cả các ngả đường quanh vùng đều dẫn du khách về với sới chọi trâu Hải Lựu. Sau lễ khai mạc, các đại biểu cùng nhân dân và du khách thập phương đã chứng kiến những cuộc tranh tài hấp dẫn giữa các Ông Cầu (tên gọi trân trọng dành cho trâu tham gia lễ hội). Trong lễ hội chọi trâu năm nay, xã Hải Lựu có 28 Ông Cầu, chia thành 14 cặp đấu (đứng thứ 2 về số lượng kể từ khi phục dựng vào năm 2002) đại diện cho các thôn và đoàn thể trong xã tham gia thi đấu. Trong ngày khai lễ, tất cả các trâu đều chia cặp thi đấu để chọn ra những Ông Cầu thắng cuộc vào thi đấu vòng chung kết ở ngày kế tiếp.
Năm nay, nhân dân Hải Lựu đã thực hiện tốt công tác tuyển chọn, chăm sóc, huấn luyện những trâu có sức khỏe tham gia thi đấu để phục vụ lễ hội. Các Ông Cầu khi tham trận cống hiến cho khán giả những pha đánh hay nhất, kịch tính nhất, bất ngờ và hấp dẫn nhất qua từng trận đấu. Diễn biến của từng trận đấu rất khó lường, có trận đấu diễn ra trong vài phút, thậm chí có trận đấu đếm thời gian bằng giây, cũng có trận đấu dài hàng giờ, nhưng chỉ có sức mạnh và sự khôn ngoan mới mang lại chiến thắng. Mỗi Ông Cầu đều cố gắng móc, kéo, lựa thế, hất cẳng, nhấc bổng đối phương lên khi có cơ hội. Chỉ khi một trong hai đấu thủ bỏ chạy, trận đấu mới kết thúc. Sới trâu Hải Lựu không dành cho những ai yếu tim vì sau mỗi đòn đánh của các Ông Cầu cũng đủ tạo ra những vết thương lớn, đổ máu, thậm chí chết ngay tại sới kéo theo tiếng hò reo như gầm phá của đông đảo khán giả. Thực tế, khi tận mắt chứng kiến những trận đấu nảy lửa trên sới, không một ai nhắc đến điều gì khác ngoài những đòn đánh đẹp của những Ông Cầu.
Vòng chung kết của hội chọi trâu năm nay được đánh giá là gay cấn, tính cạnh tranh cao với sự góp mặt của nhiều Ông Cầu nổi trội. Một số cái tên được những khán giả “ghiền” chọi trâu nhắc đến nhiều như: số 7, số 2, số 11, số 13, số 22... đều đã lọt vào vòng chung kết và rất khó đoán trâu nào sẽ đoạt chức vô địch. Cũng tại lễ hội này, không một Ông Cầu nào có khả năng vô địch 2 năm liên tiếp vì toàn bộ trâu sau khi chọi đều đem giết thịt theo truyền thống để phục vụ nhu cầu của du khách. Để có được chiến trắng cuối cùng, trâu chọi phải vượt tất cả các trận đấu cam go dựa trên sức mạnh, sức bền. Và suốt từ vòng loại tới trận chung kết, Ông Cầu số 07 đã khiến mọi đối thủ phải nhận lấy thất bại, bởi thí sinh này sở hữu cặp sừng lớn, những ngón đòn hiểm, dứt khoát, quyết liệt. Kết quả giải nhất 35 triệu đồng năm nay thuộc về Ông Cầu số 07 (vòng ngực 225) của chủ trâu Nguyễn Văn Thơm đại diện cho Thôn Dừa Cả, đã làm thoả mãn mong đợi của nhiều khán giả say mê hội chọi trâu này. Chủ trâu giải nhì nhận phần thưởng 30 triệu đồng và hai đồng giải ba là 12,5 triệu đồng.
Nhờ chất lượng của các trâu đấu, kinh nghiệm tổ chức được đúc rút qua từng năm đã giúp lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu ngày càng có sức hấp dẫn với nhân dân và du khách thập phương. Theo ước tính của ban tổ chức, đã có khoảng 5 vạn du khách thập phương đã về dự hội năm nay, tăng hơn năm 2011 (hơn 4 vạn). Lễ hội chọi trâu Hải Lựu diễn ra vào dịp đầu xuân là hoạt động văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, bởi nó biểu trưng cho tính cộng đồng, tinh thần thượng võ của dân tộc, gợi nhớ về cội nguồi cũng như giáo dục tình yêu quê hương sâu sắc./.
( ST )