Cập nhật: 14/03/2009 16:33:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khảo sát trên những người thường xuyên mang giày cho thấy bàn chân mang giày dễ bị biến dạng, không khỏe mạnh, linh hoạt như bàn chân của người đi chân trần. Tuy nhiên, ít ai biết được tác hại này của giày.

Bác sĩ Hà Thị Kim Yến, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết: Nguy cơ chân bị biến dạng càng cao nếu trẻ mang giày không đúng cách càng sớm. Ở xứ nóng như VN, nhiều người thường đi chân trần nên nguy cơ chân bị biến dạng giảm đi và do ở xứ nóng, xăng-đan, dép được dùng nhiều hơn giày. Nhưng giày vẫn được chọn lựa vì những lý do như tính trang trọng, nghiêm túc bắt buộc trong một số hoàn cảnh, và dù là người lớn hay trẻ em, giày là phương tiện bảo vệ bàn chân rất tốt, đây cũng là chức năng chính của đôi giày.

 

Theo bác sĩ Kim Yến, đối với trẻ con, vì cơ thể trẻ đang phát triển, nếu bàn chân bị lệch lạc, biến dạng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển rất lâu dài của trẻ. Một đôi bàn chân bị biến dạng do mang giày không đúng, có thể làm biến dạng đến những phần khác của cơ thể trẻ như đầu gối, cột sống. Lâu dài sẽ gây chứng đau kinh niên, làm hạn chế chức năng vận động.

 

Vào khoảng 8, 9 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu đứng lên, chịu sức trên bàn chân. Từ thời gian ấy, đôi bàn chân sẽ phát triển rất nhanh, đáp ứng cho chức năng đứng, đi, chạy, nhảy của trẻ. Đó là lúc cần mua giày cho trẻ, đôi giày để bảo vệ bàn chân và cùng với trẻ thực hiện tốt các chức năng vận động của đôi chân. Giày tốt là không gây đau, giúp chân thoải mái, mạnh mẽ và có sức bền. Đối với trẻ từ 1 tuổi đến 3 tuổi, cứ mỗi 3 tháng nên kiểm tra xem giày đã chật chưa, vì lứa tuổi này bàn chân phát triển rất nhanh. Khoảng từ 3 tuổi đến 6 tuổi, có thể thay giày mỗi 4 hoặc 6 tháng, vì lúc này bàn chân phát triển chậm hơn.

 

 

Một  đôi giày tốt cần có nhiều tiêu chuẩn. Mũi giày nên tròn, có đủ không gian cho các ngón, có một khoảng rộng đủ giữa đầu ngón chân cái và đầu mũi giày, có khoảng cách đút được đầu ngón tay út vào giữa gót chân và cổ giày. Lúc chọn giày cũng cần thử độ mềm dẻo của giày, độ mềm dẻo cho phép bàn chân cử động dễ dàng. Khi kiểm tra giày, hãy thực hiện trong tư thế đứng và mang giày vào chân đi tới đi lui khoảng 5 phút. Sau đó, tháo giày kiểm tra xem có bị đỏ da ở ngón chân út, ở phần lớn nhất của bàn chân, phần ngay phía đáy ngón chân cái và ở gân gót chân. Ngoài ra, bác sĩ Kim Yến khuyên khi mua sắm giày, nên mua vào buổi chiều hoặc tối vì người ta đã nghiên cứu thấy rằng kích thước bàn chân sẽ lớn hơn 4% thể tích vào cuối ngày.

 

 

Theo NLĐ

Tệp đính kèm