Có công việc ổn định nhưng người đàn ông 34 tuổi mắc phải hội chứng rối loạn cờ bạc. Từ đó gia đình anh trở nên khánh kiệt vì cờ bạc. Sau khi được điều trị, bệnh nhân đã dần điều chỉnh nhận thức sai lệch về cờ bạc.
Tán gia bại sản vì cờ bạc
Anh T.N.H. (34 tuổi) từng là sinh viên xuất sắc, có công việc ổn định ở công ty nước nước ngoài. Cuộc đời anh bắt đầu chệch hướng khi tham gia sâu cá độ bóng và dần biến thành thói quen không thể thoát ra được. Sau khi mất việc, anh chìm sâu vào cờ bạc online, nợ hàng tỷ đồng, vợ ly hôn, con cái xa cách. Dù ý thức được hậu quả, anh vẫn không thể dừng lại, như thể có một sợi dây vô hình kéo anh vào vòng xoáy.
BSCK II. Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, anh H. liên tục xuất hiện các triệu chứng điển hình như mất kiểm soát. Anh đánh bạc liên tục, vay nợ, nói dối gia đình. Thêm vào đó là tình trạng khủng hoảng tinh thần trầm trọng với các dấu hiệu trầm cảm, lo âu, mất ngủ, sụt 10kg chỉ trong 6 tháng. Ngoài ra, còn có các bệnh lý đi kèm như Basedow (rối loạn tuyến giáp) khiến triệu chứng tâm lý thêm trầm trọng.
Anh H. được chẩn đoán đánh bạc bệnh lý (mã chẩn doán theo ICD 10) kết hợp trầm cảm và lo âu.

Rối loạn cờ bạc là một rối loạn tâm thần được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận
Bác sĩ đã tiến hành quá trình hồi phục với cho bệnh nhân với liệu pháp tâm lý tức là điều chỉnh nhận thức sai lệch về cờ bạc, xây dựng kỹ năng đối mặt với căng thẳng. Kết hợp dùng thuốc kiểm soát lo âu và trầm cảm, cải thiện giấc ngủ để hỗ trợ. Đồng thời khuyên người thân học cách thấu hiểu, tránh xung đột, tạo môi trường lành mạnh.
Sau 3 tháng, anh H. dần lấy lại cân bằng, tìm công việc mới và hàn gắn với con trai. Câu chuyện của anh không chỉ là minh chứng cho sự nguy hiểm của nghiện cờ bạc, mà còn cho thấy điều trị kịp thời có thể thay đổi cuộc đời.
Vì sao rối loạn cờ bạc trở thành “cơn nghiện” khó cưỡng?
Rối loạn cờ bạc thường bị hiểu lầm là thói hư do thiếu ý chí hoặc đạo đức kém. Trên thực tế, đây là một rối loạn tâm thần được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, tương tự nghiện rượu hay ma túy. Người mắc rối loạn này không thể kiểm soát hành vi đánh bạc dù hậu quả nghiêm trọng đến đâu. Nhưng dưới góc nhìn y học, đây là rối loạn này có thể điều trị nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách.
Theo BSCK II. Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, rối loạn cờ bạc không đơn thuần là ham muốn tiền bạc mà sau nó là cơ chế gây nghiện. Theo bác sĩ Bảo Ngọc, có 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến cơn nghiện cờ bạc: Yếu tố đầu tiên phải kể đến việc não bộ bị "đánh lừa". Khi đánh bạc, não tiết dopamine (chất tạo cảm giác phấn khích), khiến người chơi phụ thuộc vào cảm giác này như một liều "thuốc" tinh thần.
Yếu tố thứ hai là các áp lực tâm lý: Căng thẳng, trầm cảm, cô đơn biến cờ bạc thành "cửa thoát" tạm thời.
Yếu tố thứ ba là do di truyền và môi trường. Người có người thân rối loạn cờ bạc hoặc sống trong môi trường cờ bạc dễ mắc bệnh.
Thống kê cho thấy 70% người rối loạn cờ bạc có rối loạn tâm thần đi kèm (trầm cảm, lo âu); 60% mắc đồng thời nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.
Theo Nguyễn Hà/VOV.VN
https://vov.vn/suc-khoe/nguoi-dan-ong-34-tuoi-mac-chung-roi-loan-co-bac-no-hang-ty-dong-post1200806.vov