Một nghiên cứu gần đây đăng trên American Journal of Clinical Nutrition đã chỉ ra rằng, những người có thói quen uống một hoặc hai cốc rượu, bia mỗi ngày có thể duy trì xương chắc khỏe.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc càng uống nhiều xương càng chắc khỏe, mà thậm chí ngược lại, điều đó sẽ làm xương yếu đi, bác sỹ Katherine cùng đồng nghiệp tại trường đại học Tuft, Boston khẳng định.
Trong bài phỏng vấn với Reuters, bà Tucker thừa nhận rằng, việc nghiên cứu về lợi ích hay tác hại của rượu đối với cơ thể con người đều rất khó, “vì rượu có tác động đa dạng tới nhiều mặt trong đời sống sức khỏe của con người. Chẳng hạn, rượu có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhưng lại cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ”.
Tuy nhiên, bà khẳng định, ảnh hưởng của rượu tới độ chắc khỏe của xương là “lớn hơn bất kỳ một loại chất dinh dưỡng nào, thậm chí cả canxi”.
Trong nghiên cứu mới đây, Tucker và nhóm nghiên cứu của bà đã tiến hành khảo sát với 1.182 đàn ông, 1.289 phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh và 248 phụ nữ bị mất kinh trước thời kỳ mãn kinh về ảnh hưởng của các loại rượu khác nhau tới sự chắc khỏe của xương. Điều đặc biệt là các phụ nữ đều ở trong độ tuổi từ 29 đến 86.
Kết quả là, đàn ông mà uống một hoặc hai cốc rượu hay bia hàng ngày thì xương sẽ chắc khỏe hơn so với những người không uống. Còn phụ nữ, nếu uống nhiều hơn hai cốc rượu cồn hoặc rượu vang mỗi ngày thì cũng sẽ có xương chắc khỏe hơn những người khác.
Tuy nhiên, phát hiện này được đưa ra không có nghĩa là phụ nữ càng uống nhiều rượu càng tốt cho xương, bà Tucker nhấn mạnh.
Bia và rượu vang sẽ tốt cho cả đàn ông và phụ nữ hơn là rượu mạnh, bà nói, vì bia và rượu vang có được những ‘chất dinh dưỡng” đến từ các nguyên liệu tự nhiên. Trong khi đó, rượu mạnh lại “chưng cất” hết các chất tự nhiên đó ra khỏi “cơ thể mình”.
“Điều mà chúng tôi muốn nói với các bạn chính là tác dụng của rượu đối với xương khi chúng ta biết dùng rượu đúng cách. Tuy nhiên, muốn uống rượu hay không lại tùy thuộc vào sở thích của từng người”, bà Tucker nói.
Theo TPO