Sự lây lan của virut cúm A/H1N1/2009 ở Việt Nam những ngày gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại của người dân, khá nhiều người bày tỏ sự lo lắng đến sức khoẻ của bản thân và gia đình bằng cách đi lùng mua các thiết bị phòng cúm như khẩu trang, nước sát khuẩn mũi họng, thậm chí cả tamiflu. Tuy nhiên, để phòng chống dịch cúm A/H1N1/2009, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Sáng 3/8, có mặt tại các vực tập trung nhiều cửa hàng bán thuốc và thiết bị y tế trên các phố Ngọc Khánh, Phương Mai, trước cổng BV Nhi TƯ, BV Bạch Mai, BV Phụ sản TƯ... phóng viên báo SK&ĐS đã ghi nhận khá nhiều trường hợp người dân đi tìm mua khẩu trang phòng dịch cúm, nước súc miệng sát khuẩn và cả thuốc tamiflu để dự phòng.
Tại cửa hàng thuốc bên ngoài cổng sau của BV Bạch Mai, chị Dương Thu Hương, ở khu đô thị Linh Đàm, hỏi mua một lúc 10 cái khẩu trang N95 với giá 50.000 đồng/cái. Cầm cả xấp khẩu trang bỏ vào túi, chị Hương cho biết, nhà chị có 5 người nhưng chị mua gấp đôi số lượng người để đề phòng trường hợp đông người mắc sẽ... hết khẩu trang phòng dịch. Theo chị Hương, vì không có chuyên môn y tế, nghe khuyến cáo đeo khẩu trang hạn chế lây nhiễm nên chị ra hiệu thuốc tìm mua. "Người bán hàng bảo loại này tốt nhất thì mua, chứ có biết N95 là cái gì đâu", chị Hương phân trần.
Chị Lý, nhân viên tại một cửa hàng thuốc ở Ngọc Khánh cho biết, mấy ngày sau khi phát hiện ổ dịch cúm ở tòa nhà Viettel, cửa hàng chị đã bán được khá nhiều khẩu trang N95, khẩu trang sợi hoạt tính cũng rất đắt hàng do giá cả vừa phải (32.000 đồng/chiếc), còn khẩu trang phẫu thuật dùng một lần có giá bán sỉ là 40.000 đồng/ hộp/ 50 cái, bán lẻ là 2.000 đồng/cái. Theo chị Lý, khẩu trang phẫu thuật giá rẻ nhưng bán được rất ít vì tâm lý người dân muốn dùng loại đắt tiền cho yên tâm. Thế nhưng bây giờ thì cả N95 lẫn khẩu trang phẫu thuật đều không còn hàng để bán dù lượng khách hỏi mua khá đông.
TS. Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ có những điều chỉnh thích hợp để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ tích trữ mặt hàng này, đồng thời đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, nhất là trong giai đoạn dịch đã lây lan trong cộng đồng. Trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng đã yêu cầu các đơn vị tính toán nhu cầu của người dân, không để người dân hoang mang vì thiếu các phương tiện bảo hộ tối thiểu.
Tuy vậy, TS. Kính cũng khuyến cáo, người dân không nên chỉ trông chờ vào khẩu trang như "lá bùa hộ mệnh" vì nó chỉ là biện pháp tình thế. Biện pháp phòng bệnh lâu dài vẫn là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi.
10 khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống cúm A/H1N1/2009
trong trường học
Cúm A/H1N1/2009 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virut cúm A/H1N1 gây ra.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với đồ vật bị nhiễm virut rồi đưa lên mũi, miệng.
Bệnh lây nhiễm nhanh từ người sang người trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng bệnh.
Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
Học sinh, sinh viên và nhân viên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho Ban giám hiệu, y tế địa phương.
Tránh tiếp xúc với người bị cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.
Học sinh, sinh viên, cán bộ và nhân viên có biểu hiện cúm khi đang ở nhà trường thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virut như tamiflu... Việc sử dụng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Theo SK & ĐS