Cập nhật: 05/09/2009 23:13:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bắt đầu từ ngày 1-10 tới đây, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chính thức được triển khai trên cả nước. So với chính sách BHYT đang áp dụng, việc thực hiện Luật BHYT có nhiều điểm mới, ở đó trách nhiệm và quyền lợi của các đối tượng tham gia sẽ có sự điều chỉnh.

Thực hiện đồng chi trả

 

So với quy định hiện hành, Luật BHYT bắt đầu triển khai từ ngày 1-10 tới đây về cơ bản vẫn giữ nguyên quyền lợi của người tham gia, tuy nhiên có một điểm mới rất đáng quan tâm, đó là áp dụng đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo nhiều mức, theo các tuyến, hạng BV và các nhóm đối tượng khác nhau.

 

Cụ thể, Quỹ sẽ thanh toán 95% chi phí KCB cho các nhóm đối tượng: người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Người bệnh đồng chi trả 5% phí còn lại. Quỹ thanh toán 80% chi phí KCB đối với các đối tượng khác, người bệnh đồng chi trả 20% còn lại. Trường hợp KCB có sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn thì quỹ BHYT thanh toán theo các mức như trên, nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ đó. Ngoài ra, các nhóm: trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, một số đối tượng thuộc lực lượng CAND; KCB tại tuyến xã; chi phí của một lần KCB thấp hơn 15% mức lương tối thiểu (thấp hơn 100.000đ) sẽ vẫn được Quỹ BHYT chi trả 100%. Đó là với những trường hợp KCB đúng theo quy định của Luật BHYT.

 

Với trường hợp KCB không đúng cơ sở KCB ban đầu hoặc KCB không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật (trừ trường hợp cấp cứu) thì Quỹ BHYT thanh toán theo 3 mức: 79% chi phí đối với các trường hợp khám ở cơ sở KCB hạng 3, 50% chi phí đối với cơ sở KCB hạng 2, 30% chi phí KCB đối với cơ sở KCB hạng 1, hạng đặc biệt. Mức thanh toán không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

 

Từ ngày 1-10 mức đóng BHYT sẽ tăng lên 1,5 lần, từ 3% hiện nay lên 4,5% mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động hàng tháng hay mức lương tối thiểu. Riêng học sinh, sinh viên, mức đóng BHYT bằng 3% mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước sẽ đảm bảo hỗ trợ cho một số đối tượng: người nghèo, người có công, người cao tuổi... và giảm mức đóng khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Ngân sách Nhà nước cũng hỗ trợ mức tối thiểu 50% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo, tối thiểu 30% mức đóng đối với học sinh sinh viên và người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình.

 

Khó triển khai nhưng... cần thiết

 

Đó là ý kiến của hầu hết các đại diện là lãnh đạo BV, Sở Y tế các tỉnh, thành trong cả nước đối với quy định người bệnh tham gia BHYT phải đồng chi trả khi KCB. Bởi với việc thực hiện chính sách này, đòi hỏi các cơ sở KCB phải tổ chức lại các khoa, phòng, đặc biệt là khu vực phòng khám để có thể phân loại bệnh nhân theo các khung phí KCB được hưởng BHYT khác nhau, đồng thời cũng gắn liền với vấn đề bổ sung, tập huấn nhân lực, tuyên truyền phổ biến kiến thức cho chính cán bộ nhân viên trong BV. Song ở chiều ngược lại, việc thực hiện chủ trương đồng chi trả này sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp quản lý chặt hơn chi phí KCB theo BHYT.

 

Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT,  Bộ Y tế cho biết, bản thân chính sách BHYT đã là hình thức huy động mọi người chi trả trước chi phí KCB nên việc yêu cầu người bệnh phải chi trả thêm một lần nữa khi KCB là điều khó chấp nhận. Hơn nữa, việc tổ chức thêm bộ máy, nhân lực để thực hiện chủ trương này dễ gây phiền hà cho bệnh nhân và chính bản thân các BV. Tuy nhiên, việc thực hiện đồng chi trả là một chính sách rất cần thiết để nâng cao trách nhiệm của người có thẻ BHYT trong việc tuân thủ pháp luật về BHYT, kiểm soát chi phí KCB, tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHYT trong KCB, gây ra vỡ quỹ kéo dài.

 

Bà Nguyễn Phạm ý Nhi - Giám đốc BV Xanh Pôn cũng cho rằng, việc thực hiện đồng chi trả sẽ giúp BV và người bệnh BHYT có trách nhiệm cao hơn trong quản lý chi phí KCB theo BHYT. Theo bà Nhi, trước đây đã từng có thời kỳ nước ta thực hiện chính sách đồng chi trả chi phí KCB BHYT và khi đó đã có nhiều ý kiến khác nhau và phải xóa bỏ chính sách này. Tuy nhiên ngay khi xóa bỏ đã xảy ra hiện tượng một loạt các BV bị vỡ quỹ KCB BHYT... do đó việc thực hiện trở lại chính sách này là cần thiết.

 

 

Theo Tiến Hưng - Báo điện tử ANTĐ

Tệp đính kèm