Cập nhật: 11/09/2009 21:55:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong ngành dinh dưỡng học, thuật ngữ "Suy dinh dưỡng protein - năng lượng (severe protein - energy malnutrition - PEM)" để chỉ các thể lâm sàng điển hình từ suy dinh dưỡng (SDD) thể phù (Kwashiorkor) đến thể teo đét (Marasmus).

Ngày nay, người ta cho rằng đây là một tình trạng bệnh lý do thiếu nhiều chất dinh dưỡng hơn là thiếu protein và năng lượng đơn thuần.

 

Các thể SDD trong cộng đồng SDD thường gặp dưới 3 thể:

 

Thể nhẹ cân (underweight)

Nhẹ cân chỉ là một đặc tính chung của thiếu dinh dưỡng nhưng không cho biết cụ thể đó là loại SDD vừa mới xảy ra hay đã tích lũy từ lâu. Tuy nhiên theo dõi cân nặng là việc tương đối dễ thực hiện ở cộng đồng hơn cả do đó tỷ lệ thiếu cân theo tuổi vẫn được thông dụng như là tỷ lệ chung của thiếu dinh dưỡng. Nhìn chung trên phạm vi toàn cầu, sự dao động của tỷ lệ cân nặng/ tuổi thấp và sự phân bố theo lớp tuổi của nó tương tự như ở chiều cao/tuổi.

 

Thể thấp còi (stunting)

Chiều cao theo tuổi thấp phản ảnh sự chậm tăng trưởng do điều kiện dinh dưỡng và sức khỏe không hợp lý. Đây là một chỉ tiêu tốt để đánh giá sự cải thiện điều kiện kinh tế xã hội. Thường thường ở các nước đang phát triển, tỷ lệ thấp còi tăng nhanh sau 3 tháng tuổi, đến 3 tuổi tỷ lệ này ổn định sau đó chiều cao trung bình đi song song với chiều cao tương ứng ở quần thể tham khảo.

 

Thể gầy còm (wasting)

Cân nặng theo chiều cao thấp thường phản ảnh một tình trạng thiếu ăn gần đây nhưng cũng có thể lâu hơn. Ở các nước nghèo, nếu không có tình trạng khan hiếm thực phẩm thì tỷ lệ này thường dưới 5%, nếu tỷ lệ này ở mức 10 - 14% là cao và ở trên 15% là rất cao. Tình trạng chung là SDD cân nặng/chiều cao thường chiếm tỷ lệ cao nhất ở trẻ 2 tuổi.

 

Một nhóm các hoạt động sau đây có thể coi là tối thiểu trong các can thiệp dinh dưỡng:

 

- Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

- Ăn bổ sung hợp lý từ tháng thứ 6 cùng với tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

- Có đủ vitamin A cho bà mẹ và trẻ em.

- Chăm sóc dinh dưỡng hợp lý trong/sau khi mắc bệnh.

- Các bà mẹ có thai dùng viên sắt/acid folic.

- Các gia đình dùng muối tăng cường iod.

- Chăm sóc ăn uống (nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý).

- Chăm sóc vệ sinh liên quan tới thức ăn, vệ sinh cá nhân cho trẻ và vệ sinh nhà cửa.

- Chăm sóc tâm lý bao gồm tình thương, tinh thần, trách nhiệm đối với trẻ, giúp trẻ phát triển và hiểu biết.

- Chăm sóc y tế tại nhà (xử lý khi trẻ ốm, ỉa chảy, phục hồi SDD...).

- Ngoài ra cần lưu ý chăm sóc phụ nữ nói chung, đặc biệt trong thời kỳ có thai và cho con bú. 

Một số can thiệp phòng chống SDD

 

SDD protein năng lượng là vấn đề dinh dưỡng cộng đồng quan trọng nhất hiện nay trên thế giới. Nghèo đói và thiếu kiến thức là nguyên nhân gốc rễ của SDD nhưng không phải cứ đợi kinh tế phát triển mới chống được SDD mà cần phải làm ngay những việc có thể làm được và biến những việc cần phải làm thành những việc có thể thực hiện. Trẻ em là đối tượng chính của SDD, nếu không can thiệp kịp thời thì quãng thời gian phát triển nhanh nhất và quan trọng nhất (thời kỳ bào thai và 5 năm đầu đời) sẽ trôi qua và hậu quả do SDD không có cơ hội phục hồi.

 

Do nguyên nhân phức tạp nên chiến lược phòng chống SDD phải là một chiến lược được lồng ghép trong đó vai trò của phụ nữ, hộ gia đình là rất quan trọng. Tổ chức Y tế Thế giới đã đề ra Chiến lược CSSKBĐ mà phần lớn các yếu tố thiết yếu đều liên quan đến dinh dưỡng. Tổ chức UNICEF đã đề ra chiến lược theo dõi tăng trưởng, bù nước và điện giải, nuôi con bằng sữa mẹ, tiêm chủng theo lịch, kế hoạch hóa gia đình, tạo nguồn thực phẩm. Nhiều nước đã xây dựng các chương trình như: Dịch vụ lồng ghép về phát triển trẻ em ở Ấn Độ, Chương trình dinh dưỡng hộ gia đình ở Indonesia...

 

Theo dõi biểu đồ tăng trưởng thường được coi là một trong các hoạt động then chốt của các chương trình phòng chống SDD, tuy nhiên kinh nghiệm thành công của theo dõi biểu đồ tăng trưởng không nhiều. Biểu đồ tăng trưởng chỉ có giá trị thực sự khi những người mẹ hiểu rằng theo dõi cân nặng của trẻ đều kỳ là cần thiết để theo dõi sức khỏe cho trẻ và họ tìm cách để làm việc ấy hơn là miễn cưỡng "hưởng ứng" lời kêu gọi của các cơ quan y tế. Không nên sử dụng biểu đồ tăng trưởng chỉ như là một công cụ đánh giá để dựa vào hồ sơ của cơ quan y tế mà phải là công cụ giáo dục dinh dưỡng thực sự, có như vậy mới nên triển khai vì đây là hoạt động tốn công sức. Có thể hiểu biểu đồ tăng trưởng như là một "test" đánh giá công tác giáo dục dinh dưỡng trong cộng đồng.

 

Thời gian có nguy cơ cao của SDD thường từ 4 - 6 tháng đến 2 tuổi, do đó cần tập trung chăm sóc cho tất cả trẻ ở tuổi này chứ không phải chỉ là những trẻ có cân nặng dưới một "ngưỡng" nào đó.

 

Thiếu thực phẩm ở hộ gia đình, thiếu chăm sóc và dịch vụ y tế kém được coi là các nguyên nhân tiềm tàng của SDD trong một thời gian dài. Nói đến nguyên nhân SDD, người ta chỉ mới nhấn mạnh nhiều đến thiếu thực phẩm và sự có mặt của các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến mức ăn vào, hấp thu và sử dụng các chất dinh dưỡng, còn yếu tố "chăm sóc" tuy có nói đến nhưng không cụ thể. Trong những năm gần đây, nội dung của chăm sóc đã được nhấn mạnh và cụ thể hóa. Trong các hành vi chăm sóc thì nuôi con bằng sữa mẹ được coi là ưu tiên số một, đứa trẻ vừa được chăm sóc ăn uống, vừa được chăm sóc về tâm lý, tình cảm. Nhiều sai lầm dẫn đến SDD trẻ em không phải do thiếu thực phẩm ở hộ gia đình mà là do thiếu sót về chăm sóc ở một khâu nào đó.     

 

 

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm