Thông thường, chị em phụ nữ hay quan tâm tới sức khỏe của mình hơn. Thế nhưng không có nghĩa là đàn ông không bị bệnh và nhất là ở tuổi xế chiều - khi các "cơ quan đoàn thể" trở nên rệu rã và có nguy cơ "về hưu" sớm. Các bác sĩ đã đưa ra những lời cảnh báo về bệnh tật mà nam giới ngoài 50 tuổi cần hết sức chú ý:
Tăng huyết áp: Đừng nghĩ rằng phải trên 50 tuổi các mạch máu mới xơ cứng, máu lưu thông kém, huyết áp tăng cao. Rất nhiều người ngoài 40 tuổi đã có dấu hiệu của tăng huyết áp. Vì thế, khi bước vào tuổi trung niên, bạn nên thường xuyên kiểm tra huyết áp của mình, nhất là khi thấy có các dấu hiệu như đau dai dẳng, nhanh mệt khi làm việc tay chân hay khi đi bộ dài. Muốn tránh huyết tăng áp, bạn nên ăn nhạt, ít chất béo và tập thể dục hằng ngày. Các môn thể thao nên tập là đi bộ, đạp xe, bơi lội.
Mất ngủ: Ngủ không ngon giấc, thức giấc nhiều lần vào ban đêm, dậy sớm dù đi ngủ muộn... là các biểu hiện của chứng mất ngủ ở người cao tuổi. Tuổi càng cao thì chứng mất ngủ càng nặng. Khi đó, chỉ có cách khắc phục là tạo tâm lý thoải mái trước khi đi ngủ như ngủ nơi yên tĩnh, thoáng mát; không đọc sách hay xem những phim có tình tiết gay cấn, căng thẳng. Trước khi đi ngủ nên tập vài động tác thể dục tăng cường khí huyết, tắm nước ấm. Bữa tối nên ăn vừa phải và không dùng chất kích thích.
Mắt kém: Nhìn mọi vật không sắc nét, nhanh mỏi mắt khi đọc sách báo hay xem tivi, mắt mờ, hay chảy nước mắt... chứng tỏ thị lực của bạn đã giảm sút so với một vài năm trước. Thị lực giảm có thể là do tuổi tác, do mắt bị viễn thị. Những vấn đề này dễ giải quyết, chỉ cần đeo kính thuốc và tăng cường tập thể dục cho mắt là ổn. Nhưng nếu đã đeo kính thuốc mà nhìn vẫn không rõ, bạn nên đi khám mắt, vì rất có thể nguyên nhân gây mờ mắt là do các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể chẳng hạn.
Đau xương khớp và gai cột sống: Xương bắt đầu xốp, khớp cứng, dịch khớp ít dần. Từ đó dẫn đến bệnh thoái hóa khớp gây đau lưng mỏi gối. Một vấn đề nữa mà nam giới hay gặp khi bước vào tuổi 50 đó là bệnh gai cột sống. Các bệnh này có thể phòng ngừa được bằng cách tập thể dục, bổ sung thức ăn giàu canxi.
Tiểu đường: Những người béo phì dễ bị tiểu đường khi bước vào tuổi 40, 50. Chính vì thế, giữ thể trọng ở mức trung bình, tập thể dục thể thao hàng ngày sẽ hạn chế được bệnh. Nếu không may đã bị tiểu đường, bạn cần có chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và uống thuốc hạ đường huyết theo đúng chỉ định của bác sĩ, nếu không sẽ rất dễ bị các biến chứng nguy hiểm về thần kinh, mắt, thận...
Những vấn đề liên quan đến tuyến tiền liệt: Đây là bệnh hay gặp và khá phổ biến ở đàn ông trên 50 tuổi. Ngoài 50 tuổi, nếu thấy tiểu khó, sức rặn yếu đi, bạn nên đi khám ngoại khoa để tìm xem có vấn đề gì ở tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt phát triển có thể gây chèn ép niệu đạo đi dọc qua trung tâm tuyến tiền liệt. Điều này gây cản trở dòng nước tiểu từ bàng quang qua niệu đạo và đi ra ngoài, đôi khi khiến nước tiểu ứ đọng trong bàng quang gây cảm giác mót tiểu liên tục. U xơ tuyến tiền liệt hoàn toàn lành tính. Bạn phải tới bác sĩ khi thấy những triệu chứng thường xuyên mót tiểu, tiểu ít, đi tiểu phải rặn.
Suy giảm khả năng tình dục: Ngoài 50 tuổi khả năng tình dục không còn mạnh mẽ như trước. Ngoài 60 thì ham muốn lại càng ít hơn. Đó là chuyện bình thường của tạo hóa, không ai có thể cưỡng lại được. Vì thế, nếu thấy việc yêu đương của mình không còn "lửa" như trước bạn cũng không nên mặc cảm, tự ti rồi sử dụng thuốc kích thích để lấy lại "phong độ" một cách tùy tiện. Nên nhớ, các thuốc kích dục rất dễ gây tai biến, thậm chí gây tử vong cho những người bị tăng huyết áp, tim mạch.
Hạn chế được những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu; ăn uống, nghỉ ngơi điều độ và khoa học; năng tập thể dục thể thao... Tóm lại, nếu bạn có một chế độ sinh hoạt khoa học, hữu ích thì chắc chắn bạn sẽ tránh được nhiều bệnh tật không đáng có khi bước vào tuổi trung niên.
Theo suckhoedoisong.vn