Cập nhật: 15/09/2009 21:37:45 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lại thêm một bệnh nhân cúm A/H1N1 tự điều trị ở nhà trước khi đến bệnh viện và hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.

Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng Bến Tre, bệnh nhân cúm A/H1N1 vừa tử vong là một bệnh nhân nữ, 19 tuổi, địa chỉ ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre; khởi bệnh ngày 3/9 với các triệu chứng mệt mỏi, tức ngực, bệnh nhân tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Ngày 5/9, bệnh nhân nhập BVĐK khu vực Cù Lao Minh. Ngày 7/9, bệnh nhân xuất hiện sốt, khó thở, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và điều trị thêm bằng thuốc kháng virut (tamiflu). Ngày 11/9, Viện Pasteur TP.HCM trả lời kết quả xét nghiệm dương tính cúm A/H1N1. Bệnh nhân đã tử vong lúc 9 giờ ngày 12/9. Hiện các cơ quan chức năng đang tập trung làm rõ nguyên nhân chính nào khiến bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên có một điều đáng lưu ý, đó là những trường hợp tử vong có liên quan đến dịch cúm A/H1N1 gần đây đều tự điều trị tại nhà trước khi đến bệnh viện do người dân quá chủ quan.

 

Bộ Y tế nhận định, hiện nay, dịch cúm A/H1N1 đã ghi nhận tại các khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm thành phố, trong đó đã có trường hợp tử vong. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo tất cả mọi người dân, kể các những khu vực xa trung tâm, tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa nếu có biểu hiện cúm cần tư vấn y tế để được khám, chữa trị kịp thời. Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A/H1N1 cần thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989671115, Fax: 04.37366241, Email: baocaodich@gmail.com). Mọi người dân tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virut (tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế. Ngoài ra, những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em tiếp tục được cảnh báo cần đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

Xét nghiệm cúm tại Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

 

Về diễn biến của dịch, theo báo cáo của ngành y tế, hiện số ca mắc ở Việt Nam tính đến 17h ngày 13/9, đã lên đến 4.664 trường hợp, trong đó 6 ca đã tử vong, 3.350 bệnh nhân đã được ra viện, hiện vẫn còn hơn 1.000 trường hợp đang được theo dõi cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế và giám sát cộng đồng.

 

Trên thế giới, theo thông báo số 65 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 6/9, toàn thế giới đã ghi nhận 277.607 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có 3.205 trường hợp tử vong. Tại khu vực nam bán cầu, một số nước ghi nhận số ca tử vong cao như Brazil (657 ca tử vong), Argentina (512), Australia (169), Chi Lê (132)... Các cơ quan chức năng của Mexico mới đây cũng đã quyết định đóng cửa 1.400 trường học ở thành phố Culiacan, miền Bắc nước này sau khi số ca nghi nhiễm cúm A/H1N1 gia tăng trong môi trường học đường. Khu vực Đông Á và Đông Nam Á, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp: Ấn Độ đã ghi nhận 155 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1; Thái Lan (tử vong 142); Malaysia (tử vong: 74); Philippine (tử vong: 28); Singapore (tử vong: 18)...

 

 

 

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm