Ho là phản ứng tự vệ của cơ thể nhằm tống các dị vật, các chất bài tiết thừa ở đường thở ra ngoài. Hầu hết thuốc ho đều phối hợp nhiều thành phần (làm giảm phản xạ ho; long đàm, chống nghẹt mũi, sổ mũi’ chống dị ứng).
Cần căn cứ vào các thành phần này mà chọn lựa cho phù hợp với tình trạng ho, nếu không sẽ kém hiệu quả, có khi còn gây cảm giác khó chịu, thậm chí bị độc hại.
Thành phần làm giảm phản xạ ho
Trong thuốc ho thường chứa thành phần ức chế trung tâm ho (như codein, dextromethorphan) hay ức chế thần kinh trung ương (cao opium).
Codein (phosphat): ức chế chọn lọc trung tâm ho ở hành não làm giảm phản xạ ho. Có khoảng 10% chuyển thành morphin nên làm giảm đau nhẹ. Dùng khi ho khan, làm mất ngủ. Trẻ em dưới 1 tuổi, người có bệnh gan, suy hô hấp, có thai không được dùng thuốc ho chứa codein.
Dextromethorphan: ức chế chọn lọc trung tâm ho ở hành não, làm giảm phản xạ ho. Tuy có cấu trúc gần giống morphin nhưng nó không làm giảm đau, ít an thần. Dùng làm giảm ho nhất thời khi bị kích thích (cảm lạnh) hay ho mạn không có đờm. Hiệu lực giảm ho tương đương nhưng độc hơn codein. Ít gây tác dụng phụ đường tiêu hóa. Liều rất cao mới ức chế thần kinh trung ương. Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Cao opium: cao chứa 20% morphin. Ức chế thần kinh trung ương, vừa làm giảm phản xạ ho, vừa làm giảm đau Dùng chữa ho kèm theo đau (như nhức đầu). Trẻ dưới 5 tuổi tuyệt đối không dùng thuốc này. Người suy hô hấp cần thận trọng.
Thành phần làm long đàm
Đàm gây nghẽn tắc đường thở. Thuốc long đàm cải thiện trạng thái nghẽn, tắc. Mặt khác, chúng còn tăng cường sự thâm nhập của kháng sinh vào đàm, giúp đẩy lùi bệnh. Đàm bị tống ra ngoài bằng phản xạ ho, bằng khả năng vận động khi đường thở không bị tắc. Chỉ dùng thuốc long đàm khi điều kiện này còn tốt. Trong các biệt dược chữa ho đã có sự phối hợp thích hợp giữa thành phần làm giảm phản xạ ho và long đàm. Nếu muốn chóng hết ho mà dùng liều quá cao thì đàm tiết ra nhiều nhưng phản xạ ho bị ức chế mạnh, đàm không bị tống ra, gây khó chịu.
Chất long đàm như: dịch chiết viễn chí hành biển hay terpin, natribenzoat làm cho đàm loãng ra, nên khi có phản xạ ho sẽ dễ bị tống ra ngoài. Dùng khi bị ho mà đàm đặc quá không khạc ra được.
Chất eprazinone: chiếm các vị trí trên mucine, là vị trí dành cho cấu trúc sợi, cạnh tranh với các phân tử protein gây viêm nhưng không cắt phân tử mucine, không phá vỡ cấu trúc sinh lý của đàm, không gây hay không kích thích sự phân tiết đàm. Kết quả là làm cho đàm tiết ra có dạng loãng. Dùng khi ho mà khó tiết đàm, đàm tiết ra đặc.
Các chất như acetylcystein, carbocystein: có tác dụng lên pha gen của chất nhầy, làm đứt cầu nối disulfure của các glucoprotein, làm thay đổi cấu trúc, phá hủy chất nhầy của đàm nên gọi là chất làm hủy đàm. Chúng thường điều chế thành biệt dược đơn. Dùng khi bị ho không nhiều nhưng có đàm gây khò khè khó chịu.
Các chất như bromohexin: thủy phân mucoprotein dẫn đến khử cực mucopolysaccharid, cắt đứt các phân tử này, làm điều biến các chất nhầy. Kết quả là làm thay đổi cấu trúc chất nhầy, giảm độ nhớt, nên đàm dễ bị tống ra ngoài. Dùng khi ho mà có nhiều đàm đặc quánh. Bromohexin thường chế thành biệt dược đơn.
Thành phần chống sổ mũi, nghẹt mũi
Phenylpropanolamin (PPA): làm cường giao cảm dẫn đến co mạch, giảm sung huyết ở niêm mạc mũi nên chống được nghẹt mũi, sổ mũi (khi bị cảm lạnh). Nhưng vì cường giao cảm nên PPA gây kích thích (làm khó ngủ), gây chán ăn (trước đây dùng làm thuốc chống béo). Nghiêm trọng hơn, PPA gây tai biến mạch máu não (chảy máu não, màng não). Trung Quốc cấm lưu hành mọi biệt dược có chứa PPA (2000). Nước ta và Pháp cấm dùng chất này làm thuốc chống béo (11/2000). Với Pháp, tất cả các biệt dược chứa PPA đều phải bán theo đơn. Với nước ta, biệt dược chứa PPA bằng hay nhỏ hơn 30mg được bán không bắt buộc phải có đơn. Trên thị trường vẫn có các loại thuốc ho chứa PPA với hàm lượng rất chênh lệch, cần xem kỹ hàm lượng PPA để khỏi nhầm lẫn.
Pseudoephedrin: là chất cường giao cảm, có độc tính tương tự PPA nhưng thấp hơn.
Người bị cao huyết áp, bị bệnh tim mạch không nên dùng thuốc ho chứa hai chất nói trên vì chúng làm tăng huyết áp, làm tim nhanh, đánh trống ngực, đau thắt ngực, choáng váng, riêng PPA không được dùng cho người có tiền sử tai biến mạch máu não.
Thành phần chống dị ứng
Chlopheniramin: vừa chống dị ứng (đỡ bị kích thích) vừa gây buồn ngủ (dễ ngủ) nên làm đỡ ho, song chất này nếu dùng lâu dài cho trẻ em sẽ làm chậm phát triển trí tuệ. Có một biệt dược của Thái Lan chứa chlorocid và chopheniramin, khi dùng dễ ngủ nên đỡ ho, được cho là “thuốc tốt”, các bà mẹ cho con dùng dai dẵng hàng tháng khi bị ho gà. Đây là cách dùng sai, nguy hiểm (vì chlorocid gây suy tủy + chlopheniramin làm chậm phát triển trí tuệ).
Promethazin: thường chế thành biệt dược đơn. Dùng để chữa ho do dị ứng. Chất này thuộc nhóm phenothiazin có tác dụng phụ rất nguy hiểm là làm suy hô hấp, ngừng thở, đột tử cho trẻ em lúc ngủ, nên không được dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, nếu cần dùng cho trẻ trên 2 tuổi thì chỉ dùng liều thấp nhất có hiệu lực, trong thời gian ngắn. Người lớn suy giảm chức năng hô hấp, bị các bệnh tắc nghẽn đường thở (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn, hen phế quản) cần hết sức cẩn thận khi dùng (nếu cần dùng thì chỉ với liều thấp, thời gian ngắn nếu thật cần).
Thuốc ho trên thị trường vô cùng phong phú (nhiều biệt dược dễ gây nhầm lẫn). Khi mua một biệt dược, nhớ đọc kỹ thành phần (có ghi ở nhãn) để dùng cho phù hợp, Với trẻ em, khi biệt dược có chứa promethazin, codein, cao opium, PPA, pseudoephedrin thì phải cân nhắc, tùy theo tuổi mà quyết định không dùng hay dùng hạn chế (về liều lượng, thời gian). Với người bị suy hô hấp, bị các bệnh tắc nghẽn đường thở (hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn) thì phải thận trọng với các thuốc ho chứa codein, cao opium, promethazin. Người bị bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch không nên dùng thuốc ho chứa PPA, pseudoephedrin. Riêng người có tiền sử tai biến mạch máu não, tuyệt đối không dùng loại thuốc ho chứa PPA. Ngay cả một số loại thuốc ho thông thường, thành phần chính cũng có dextromethorphan, PPA, chlopheniramin, nên phải cân nhắc chứ không thể dễ dãi dùng cho mọi người.
Theo suckhoedoisong.vn