Cập nhật: 12/12/2010 13:40:59 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phản ứng phụ do thuốc là một tai biến rất thường gặp trong thực hành lâm sàng, gây ảnh hưởng đến khoảng 10% - 20% số người sử dụng thuốc ở các mức độ khác nhau. Loại tai biến này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, làm phức tạp quá trình điều trị, mà còn có thể tác động không nhỏ tới mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân.

Các phản ứng phụ do thuốc được chia làm 2 nhóm chính là nhóm có thể dự báo và nhóm không thể dự báo trước, trong đó, các phản ứng dị ứng (hay còn gọi là quá mẫn) thuộc nhóm thứ hai. Loại phản ứng này có liên quan đến cơ chế miễn dịch, chiếm 1/5 đến 1/7 tổng số các trường hợp phản ứng phụ do thuốc. Các thể dị ứng thuốc thường gặp nhất trên lâm sàng là các phản ứng dị ứng tức thì gây ra do kháng thể IgE (như sốc phản vệ, mày đay, phù mạch…) và các phản ứng dị ứng muộn liên quan đến tế bào lympho T (như hồng ban đa dạng, đỏ da toàn thân, Hội chứng Lyell, Hội chứng Stevens – Johnson…). Biểu hiện ở da và niêm mạc là những biểu hiện thường gặp nhất và xuất hiện tương đối sớm trong hầu hết các phản ứng dị ứng thuốc, có thể ở mức độ nhẹ và thoáng qua nhưng cũng có thể rất nặng, thậm chí đe doạ tính mạng người bệnh.

Các yếu tố chỉ điểm liên quan đến tiền sử bệnh và cách sử dụng thuốc

 

Các phản ứng dị ứng thuốc nói chung và dị ứng thuốc nặng nói riêng có thể được nhận biết sớm trong nhiều trường hợp thông qua một số dấu hiệu chỉ điểm, đáng lưu ý là các yếu tố liên quan đến tiền sử bệnh tật và các dấu hiệu xuất hiện sớm ở da và niêm mạc sau dùng thuốc của người bệnh. Việc nhận biết sớm này có thể giúp các thầy thuốc kịp thời có những biện pháp can thiệp tích cực nhằm ngăn ngừa sự xuất hiện của các phản ứng dị ứng nặng.

 

Những người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn…, đặc biệt là dị ứng thuốc, sẽ có nguy cơ bị dị ứng khi sử dụng thuốc cao hơn so với những người không có tiền sử dị ứng. Do đó, trước khi chỉ định một loại thuốc, các thầy thuốc cần khai thác kỹ tiền sử dị ứng thuốc trước đây của người bệnh, đặc biệt lưu ý tên loại thuốc mà người bệnh đã từng bị dị ứng để tránh dùng lại các loại thuốc này cũng như tránh các thuốc có mẫn cảm chéo với chúng. Nếu người bệnh biết được loại thuốc mà mình bị dị ứng nên chủ động thông báo cho thầy thuốc. Bên cạnh tiền sử dị ứng thuốc, cách thức sử dụng thuốc cũng là một yếu tố có thể góp phần làm tăng nguy cơ dị ứng thuốc. Ví dụ như việc sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc hoặc dùng cách quãng, không liên tục, dùng nhắc lại nhiều lần một loại thuốc đều có thể làm tăng nguy cơ dị ứng thuốc, mặc dù cơ chế chính xác của hiện tượng này còn chưa được hiểu rõ. Trong số các đường sử dụng thuốc, khả năng kích thích sinh kháng thể dị ứng giảm dần theo thứ tự: dùng tại chỗ> tiêm dưới da> tiêm bắp> uống> tiêm tĩnh mạch. Như vậy, việc dùng thuốc tại chỗ kéo dài, đặc biệt các loại kháng sinh, sẽ có nguy cơ gây dị ứng thuốc cao hơn so với các đường dùng khác của thuốc. Ngoài ra, việc tăng liều trong quá trình đang dùng thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ gây ra các phản ứng dị ứng với thuốc. Trong số các yếu tố liên quan đến tình trạng bệnh lý của người bệnh, việc bị nhiễm một số loại virut như HIV, Epstein-Barr virus, cytomegalovirus, herpesvirus hoặc mắc các bệnh lý gây suy giảm chức năng gan, thận đều có thể làm tăng nguy cơ dị ứng với thuốc.

 

Một số yếu tố tuy không làm tăng nguy cơ dị ứng thuốc nhưng có thể làm tăng nặng các phản ứng dị ứng thuốc nếu chúng xảy ra. Hen suyễn có thể gây các cơn co thắt phế quản nặng, ít đáp ứng với các thuốc chống dị ứng trong những phản ứng dị ứng tức thì. Tăng huyết áp và bệnh mạch vành có thể gây ra các biến chứng nặng ở những bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc, đặc biệt trong quá trình dùng adrenalin. Việc sử dụng trước đó một số loại thuốc như nhóm ức chế men chuyển (captopril, enalapril…), nhóm chẹn bêta giao cảm (propranolol, metoprolol…) cũng có thể làm tăng nặng các phản ứng dị ứng tức thì do thuốc hoặc làm phức tạp quá trình điều trị.

 

Các yếu tố chỉ điểm ở da, niêm mạc

 

Đối với các phản ứng dị ứng tức thì, một trong những tiền triệu quan trọng báo hiệu sốc phản vệ do thuốc là việc đột ngột nổi ban đỏ ngứa sau dùng thuốc, đặc biệt ở vùng quanh miệng, gan bàn tay, bàn chân và da đầu. Phản ứng bốc hoả ở mặt và vùng trên ngực, đôi khi đi liền với ngạt sổ mũi, đỏ mắt và chảy nước mắt sau khi dùng thuốc cũng là những dấu hiệu có thể báo hiệu sự xuất hiện nhanh chóng của phản ứng phản vệ sau đó. Ngoài ra, có một số biểu hiện không đặc hiệu khác cũng có thể là tiền triệu báo hiệu sự xuất hiện của sốc phản vệ do thuốc như cảm giác lo lắng, kích thích, bồn chồn, sợ chết hoặc những điều bất hạnh xảy ra sau dùng thuốc. Bên cạnh sốc phản vệ, phù mạch ở lưỡi và thanh quản cũng là những thể dị ứng thuốc cấp tính rất nguy hiểm vì có thể gây suy hô hấp và tử vong nhanh chóng. Cảm giác vướng ở họng, bó chặt họng, khản giọng, khó nói, tiết nước bọt có thể là tiền triệu báo hiệu sự xuất hiện của thể dị ứng này. Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu sớm này, việc ngưng sử dụng thuốc gây dị ứng và dùng ngay các thuốc chống dị ứng là cần thiết.

 

Đối với các phản ứng dị ứng thuốc chậm, việc xuất hiện các ban thâm nhiễm, nổi gờ trên mặt da, sưng nề ở mặt sau dùng thuốc có thể là những dấu hiệu tiền triệu của Hội chứng DRESS. Trong khi đó, tổn thương dạng bia bắn không đặc hiệu hoặc ban đỏ lan toả, đặc biệt ở lưng và ngực, nổi bọng nước và viêm trợt niêm mạc miệng họng là những dấu hiệu có thể báo hiệu sự xuất hiện của Hội chứng Lyell và Stevens-Johnson. Nổi ban đỏ và sưng nề ở mặt, các mặt duỗi của chân tay ngày càng lan rộng cũng là những tiền triệu của đỏ da toàn thân do dị ứng thuốc.

 

Các yếu tố chỉ điểm khác

 

Sốt cao (trên 39oC), nổi hạch, đau khớp, sưng khớp cũng có thể là những tiền triệu của các phản ứng dị ứng thuốc nặng như Hội chứng DRESS hoặc bệnh huyết thanh.

 

 

Theo SK & ĐS Online

 

Tệp đính kèm