Trên thế giới, có khoảng 1,6 tỷ người sống trong vùng thiếu i-ốt, tỷ lệ bướu cổ toàn cầu ước đoán khoảng 12%, tương đương khoảng 655 triệu người. Số người mắc bướu cổ nhiều nhất là ở châu Á, châu Phi. Vùng Đông Nam Á có 486 triệu người sống trong vùng có nguy cơ thiếu i-ốt, trong đó khoảng 175 triệu người bị bướu cổ, chiếm 26,7% số người bị bướu cổ trên thế giới.
Tầm quan trọng của i-ốt với phụ nữ có thai
I-ốt là một vi chất dinh dưỡng, mặc dù chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng cần thiết cho sự phát triển cơ thể. Cơ thể sử dụng i-ốt để tổng hợp nên hormon tuyến giáp. Ở vùng thiếu i-ốt, giảm tổng hợp hormon tuyến giáp gây ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần. Tác động của thiếu i-ốt thấy rõ ở giai đoạn phát triển cơ thể.
Bướu cổ và đần độn là hai biểu hiện hay gặp nhất liên quan đến thiếu i-ốt. Bướu cổ có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời, trong khi đó, đần độn xuất hiện ngay từ lúc bào thai nếu người mẹ bị thiếu i-ốt nặng. Các biểu hiện này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì thế thuật ngữ “các rối loạn thiếu i-ốt” mô tả đầy đủ hơn tác hại do thiếu i-ốt như: các khuyết tật về thần kinh, tâm thần, suy giảm hoạt động chức năng hệ thần kinh, giảm sự phát triển hệ thần kinh của bào thai, trẻ nhỏ.
Trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ là đối tượng đích, có nguy cơ cao bị thiếu i-ốt, hậu quả do thiếu i-ốt ở đối tượng này là nghiêm trọng, vì hormon tuyến giáp cần thiết cho sự phát triển của bào thai và sau đẻ. Hơn nữa, sự hư hại hệ thần kinh ở bào thai và trẻ nhỏ do thiếu i-ốt nặng và kéo dài là hậu quả không thể đảo ngược được.
Vì sao phụ nữ mang thai cần bổ sung i-ốt?
Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với tình hình thiếu hụt i-ốt, khi người mẹ mang thai, nhu cầu i-ốt tăng lên để đáp ứng nhu cầu hormon tuyến giáp cho mẹ và sự phát triển bào thai. Khi mẹ thiếu i-ốt, sự phát triển bào thai bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là bộ não của đứa trẻ. Người ta đã chứng minh, thiếu i-ốt ở mẹ từ mức trung bình đến nặng có thể gây chậm phát triển não của thai nhi và sinh ra đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm trí đần độn và/hoặc mang khuyết tật.
Do tầm quan trọng và nhạy cảm của thiếu i-ốt đối với bà mẹ đang mang thai, nuôi con bú, năm 2007, WHO/UNICEF/ICCIDD khuyến cáo sử dụng chỉ số i-ốt niệu của bà mẹ mang thai và nuôi con bú là một chỉ tiêu bổ sung chính thức cho bộ chỉ tiêu phản ánh tình trạng thu nhận i-ốt khi một quốc gia hay khu vực đạt tới trạng thái thanh toán bền vững các rối loạn thiếu i-ốt.
Vì tầm quan trọng này, WHO/UNICEF/ICCIDD khuyến cáo cần có giải pháp tạm thời để bảo vệ nhóm bà mẹ mang thai khi phát hiện mức i-ốt niệu dưới 50mcg/l. Điều này đặc biệt cần thiết khi tình trạng i-ốt niệu thấp xảy ra ở các khu vực mà chương trình không đạt được nhiều tiến triển trong những năm gần đó. Theo khuyến nghị này, cung cấp i-ốt bổ sung dạng viên nang nên cần được đặt ra ngay như một giải pháp tạm thời bảo vệ nhóm phụ nữ mang thai ở miền Tây Nam Bộ và TP.HCM, nơi mà các số liệu cho thấy mức i-ốt niệu trung vị luôn ở mức rất thấp (khoảng 50mcg/l).
Theo SK & ĐS Online