Mỗi năm, vào mùng 1 Tết, khoa tim mạch tiếp nhận đa số là bệnh nhân (BN) suy tim (ST) nhập viện vì than mệt khó thở. Sau đó, mùng 2 - 4 Tết là những BN tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh ST, bệnh van tim, huyết khối tĩnh mạch...
Thông thường trước Tết, khoa tim mạch sẽ cho BN xuất viện về và dặn dò kỹ cách uống thuốc, chế độ ăn uống sinh hoạt, toa thuốc thường từ 15 - 30 ngày. Phòng khám tim mạch, cũng cho thuốc 1 tháng ở những BN tái khám, để cho BN ăn Tết cổ truyền. Tuy nhiên, dù dặn dò kỹ, có những BN vẫn phải nhập viện ăn Tết chỉ vì lý do đơn giản vui quá chén, ăn mặn nhiều, uống bia, uống rượu, ít vận động, stress, đi chơi xa, hoạt động tình dục. Vậy để BN ST đón Tết trọn vẹn thì phải phòng ngừa thế nào?
Thuốc uống
Uống đúng theo toa của bác sĩ, đủ ngày, đủ liều lượng, không được tự ý thấy khỏe mà ngừng thuốc. Khi có những triệu chứng bất thường tăng dần hay không cải thiện sau khi uống thuốc vài ngày thì cần khám ngay, bất kể mùng nào.
Chế độ ăn
Nếu ăn mặn nhiều sẽ làm tăng huyết áp ở những BN ST, khi huyết áp lên cao vọt, khó khống chế sẽ làm BN phù phổi cấp dẫn đến nhập viện cấp cứu. Không khuyến khích uống rượu. Uống nhiều rượu bia quá mức làm cho huyết áp tăng, có thể gây tai biến mạch máu não ở BN ST hoặc làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở BN ST do bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ.
Cần phải ăn giảm muối (giảm natri), ở BN ST độ II và III theo NYHA, trong khi chế biến thức ăn chỉ nên cho khoảng 2 - 3g muối/ngày, không quá 4g muối. Còn ST độ IV thì cần giảm muối chặt chẽ không quá 2g/ ngày, có khi phải ăn lạt hoàn toàn. Không uống nước khoáng có nhiều natribicarbonat, không uống nước mì chính (có nhiều natri glutamat). Không dùng thức ăn có nhiều muối như: dưa, cà, cá khô, bánh mặn, thịt ướp muối… Không dùng thức ăn có nhiều cholesterol. Nên dùng rau quả tươi chứa nhiều kali, vitamin A, C, E, caroten. BN ST có đái tháo đường kèm theo thì nên tuân thủ chế độ ăn ở người đái tháo đường.
Chế độ sinh hoạt
Ngày Tết là ngày vui vẻ của gia đình, không nên lo nghĩ căng thẳng, tránh các xúc động mạnh, tránh stress. Stress sẽ làm tăng hoạt tính giao cảm làm nhịp nhanh dẫn đến không có lợi ở BN ST.
Chế độ làm việc nghỉ ngơi hợp lý, công việc tĩnh tại, không đòi hỏi di chuyển nhiều. Với ST độ I theo NYHA, BN vẫn có thể tiếp tục hoạt động bình thường, nhưng nên tránh những việc đòi hỏi phải gắng sức nặng như: bưng chậu mai lên lầu, leo trèo sửa mái nhà… Với ST độ II, cần giảm mức độ hoạt động, thời gian nghỉ trong ngày nhiều hơn, bảo đảm tốt giấc ngủ. Với ST độ III, cần nghỉ ngơi làm việc nhẹ thích hợp. ST độ IV thì nghỉ ngơi hoàn toàn, không nên làm việc, dù là việc nhẹ như quét nhà.
Không nên đi chơi xa đối với ST độ III và IV, còn độ I và II thì có thể đi chơi, nhưng cũng cần hạn chế. BN ST độ III và IV mà đi máy bay, nhất là đường dài (đi nước ngoài, mất nhiều giờ bay) sẽ không có lợi, vì dễ mất nước, phù chân, có thể bị huyết khối tĩnh mạch chân, thuyên tắc phổi. Do đó nên bay đường ngắn (trong nước).
Vận động thể lực
Trong dịp Tết, đừng quên việc tập thể lực. ST độ I, II, cần vận động thể lực nhẹ nhàng như: đi bộ, tập thở, tập thể dục tại chỗ trong thời gian 20 – 30 phút vào buổi sáng và buổi chiều để cải thiện dần khả năng gắng sức. Riêng độ III thì phải ổn định thật sự với điều trị, thì mới vận động thể lực như kể ở trên. Độ III chưa ổn định với điều trị, cần điều trị cho ổn, rồi mới tập thể lực. ST độ IV cần nghỉ ngơi, không vận động thể lực. Tuy nhiên, nên xoay trở thân mình nhẹ nhàng và xoa bóp các cơ để tăng lượng máu đến các cơ, tránh nguy cơ huyết khối chi dưới do nằm bất động.
Hạn chế hoạt động tình dục, nhất là BN ST độ III và IV. Vì những gắng sức, xúc cảm mạnh dễ làm cho ST tiến triển xấu đi.
Theo suckhoedoisong.vn