Cập nhật: 21/01/2011 15:14:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngộ độc khí CO và CO2 do dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm; gia tăng đột qụy vì giá rét... đó là những nguy cơ gây tử vong hàng đầu mà ngành y tế khuyến cáo người dân chú ý trong thời điểm rét đậm, rét hại vẫn đang kéo dài.

Tử vong vì …rét

 

Theo thông tin chúng tôi mới nhận, được biết tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, rét đậm kéo dài trong những ngày qua đã làm 4 người tử vong.  Cả 4 người tử vong vì rét đều ở xã Trà Cang, là Hồ Văn Đông (2 tháng tuổi) ở làng Tắk Póc, ông Hồ Văn Nớ (80 tuổi, chết ngoài rẫy) và chị Hồ Thị Thiên (31 tuổi) chết cùng đứa con mới sinh tại làng Ngọc Rỗ. Nguyên nhân tử vong được xác định ban đầu là do trời rét lạnh kéo dài, người dân không giữ ấm khi đi làm trên nương rẫy.

 

Trong khi đó, để tránh cái rét đến “cắt da, cắt thịt”, nhiều người dân đã phải đốt củi hoặc sưởi ấm bằng than. Bác sĩ Vũ Ngọc Lân - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện (BV) Đa khoa Nghệ An cho hay, khoa này vừa cấp cứu hai trường hợp là vợ chồng ông Nguyễn Văn N. ở phường Hà Huy Tập, TP. Vinh. Do trời rét, ông N. đốt than tổ ong để sưởi trong nhà và bị hôn mê vì ngộ độc khí CO từ bếp than tổ ong, nếu không được con cái phát hiện kịp thời thì hậu quả thật khó lường. Hiện sau một tuần điều trị, ông N. đã qua cơn nguy kịch, nhưng vợ ông thì vẫn trong tình trạng bệnh nặng.

 

Bác sĩ Lân cho biết thêm, vụ rét năm ngoái, BV Đa khoa Nghệ An cũng cứu sống một cặp vợ chồng mới cưới bị hôn mê do dùng bếp than tổ ong sưởi ấm.

 

Không được may mắn như các trường hợp trên, bố con anh Trần Văn Thành và cô con gái 17 tuổi (ở Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã tử vong tại chỗ hôm 14/1 do ngộ độc khí than. Nguyên nhân cũng là do trời lạnh nên khi ngủ, họ đóng kín cửa và dùng than sưởi ấm.

 

Bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Lão khoa quốc gia nhấn mạnh: “Với đối tượng là người già và trẻ em, gia đình càng phải lưu ý tránh xa bếp than tổ ong vì người già, trẻ em hệ hô hấp yếu, nếu phải tiếp xúc với khí độc thì sức đề kháng kém, suy hô hấp nhanh, nguy cơ tử vong cao hơn so với các bệnh nhân khác”.

 

Đột quỵ do lạnh

 

Ngày 10/1 vừa qua, trong giá lạnh 40C, BV Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã cấp cứu cho bệnh nhân Phạm Xuân Thanh, 39 tuổi ở TP. Lạng Sơn. Anh Thanh được phát hiện đang nằm bất tỉnh bên đường, người lạnh ngắt. Không đầy hai giờ sau khi nhập viện, anh Thanh đã tử vong. Kết luận ban đầu của bác sĩ là bệnh nhân bị cảm lạnh, suy kiệt sức khỏe dẫn đến suy hô hấp.

 

Đau lòng không kém, sáng 15/1, bé B.P.A (3 tuổi), ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đã tử vong vì bị cảm lạnh. Trước đó, bé A. được bố mẹ đưa về quê ngoại ở Tân Yên, Bắc Giang giữa trời lạnh...

Không riêng gì các tỉnh miền núi, ngay tại Hà Nội cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện cấp cứu mà nguyên nhân xác định là do tác động bất lợi của thời tiết. Bác sĩ Nguyễn Đức Hiền - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội, BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Những ngày này, BV thường tiếp nhận từ 50-80 ca cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp và các bệnh về não, sau đó là đến các bệnh do tăng huyết áp”.

 

Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân nên cẩn thận với các tai nạn, tử vong, ngộ độc có thể xảy ra trong thời tiết giá lạnh như: Hôn mê hoặc tử vong do ngộ độc khí CO từ bếp than tổ ong trong phòng kín, bỏng bếp lửa, trẻ em tử vong do đèo xe máy đi ngoài trời rét, ngạt thở do mặc quá nhiều quần áo ấm... Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo việc phòng chống rét cho người bệnh; sẵn sàng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết giá lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường...

 

Bệnh viện các địa phương giúp người bệnh "chống chọi" với rét

 

Lai Châu:

Những ngày này trung bình mỗi ngày có từ 150 - 200 người bệnh đến khám và điều trị, trong đó hầu hết là người già và trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp. Đợt rét đậm, rét hại thời gian qua đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Hiện có khoảng gần 300 bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện. Để đảm bảo công tác khám và điều trị, chăm lo sức khỏe cho nhân dân, bệnh viện đã triển khai nhiều biện pháp tạo điều kiện cho bệnh nhân nội trú như: tu sửa, gia cố lại các cửa kính phòng khám, phòng điều trị bệnh nhân nội trú. Với các phòng điều trị bệnh nhi, bệnh nhân sau mổ và buồng bệnh Khoa sản, Bệnh viện trang bị mỗi phòng từ 1 - 2 máy sưởi để giữ ấm. Trong công tác điều trị cho các bệnh nhân phải truyền dịch, bệnh viện đã quán triệt tới từng cán bộ thầy thuốc trước khi truyền phải làm ấm dịch, dây truyền để bệnh nhân không bị sốc.

 

Đà Nẵng:

 

Thông tin tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, khoa Nhi của bệnh viện đang quá tải với 200 bệnh nhân mỗi ngày, tăng gấp 5 lần ngày thường. Phần lớn trẻ em bị các bệnh do rét như nhiễm khuẩn đường hô hấp, sổ mũi, cảm lạnh, ho, rối loạn tiêu hóa… Bệnh viện cũng đang điều trị cho 500 bệnh nhân luống tuổi. Phần lớn họ bị tai biến mạch máu não, tắc nghẽn mạn tính phổi, xuất huyết tiêu hóa… Tình trạng bệnh nhân gia tăng cũng đang diễn ra với Quảng Nam. Bệnh viện Nhi tỉnh Quảng Nam trung bình mỗi ngày tiếp nhận 120-140 bệnh nhân đến khám, điều trị, tăng hơn 30% so với ngày thường.    

 

 

Theo suckhoedoisong.vn

 

 

Tệp đính kèm