Cập nhật: 27/01/2011 15:18:20 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện tượng tắc ngạt mũi có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Nhất là trong thời tiết lạnh như hiện nay khi mà các bệnh về mũi, họng phát triển mạnh thì tình trạng tắc ngạt mũi cũng xảy ra thường xuyên hơn.

Người bị ngạt mũi thở khó khăn hơn và kèm theo tiếng kêu; nếu bịt một bên mũi, sẽ bị ngạt và phải thở bằng miệng. Bị ngạt mũi ban đêm người bệnh sẽ hay ngáy, sáng dậy họng khô, có cảm giác vướng họng, thường xuyên phải hắng giọng. Người bị ngạt mũi phải thở bằng miệng khiến không khí đi vào không được lọc sạch và sưởi ấm nên dễ gây viêm họng, phế quản...

 

Ngạt mũi kéo dài có thể gây tắc mũi, gây ù tai, nghe kém. Viêm nhiễm ở mũi lâu dài có thể lan lên mắt, gây viêm túi lệ, viêm mí mắt...

 

Tình trạng ngạt tắc mũi thường xuyên ảnh hưởng xấu đến khuôn mặt như: gây hẹp hàm ếch, răng vẩu, lồng ngực xẹp... Người bệnh trở nên chậm chạp hơn, hay bị nhức đầu và khó tập trung tư tưởng.

 

Để phòng tránh những diễn biến nặng hơn của bệnh, khi mới bị ngạt mũi người bệnh có thể dùng một số lá xông chứa tinh dầu hoặc thuốc có tinh dầu để xông mũi. Tuy nhiên không nên dùng thuốc quá nóng hoặc nhỏ quá nhiều vì hơi thuốc sẽ bốc lên mạnh, rất khó chịu. Và cách này không được áp dụng đối với trẻ nhỏ.

 

Với trẻ em, cần giữ ấm cho trẻ để tránh các bệnh về tai, mũi, họng trong mùa lạnh; không để trẻ nhét các vật như: hạt đỗ, hạt lạc, bông… vào trong mũi vì đây cũng là nguyên nhân gây ngạt mũi ở trẻ do có dị vật trong mũi.

 

Tốt nhất khi cảm thấy bị tắc ngạt mũi gây khó chịu mọi người đến thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng để có phương pháp điều trị đúng đắn không nên để tới mức trở thành viêm nhiễm mũi mạn tính sẽ rất nguy hiểm.

 

 

Theo Laodong Online

Tệp đính kèm