Bị hạn chế thời gian về Tết bố mẹ đẻ nhưng lại phải lo đủ thứ để sắm Tết cho nhà chồng, mua đủ lễ lạt và đi khắp lượt họ hàng chúc Tết, không ít nàng dâu “choáng váng” vì không quen với vai trò mới.
Nhận họ… cả làng
Nghe chồng nhẩm tính Tết này phải đi nhận họ tới 40 nhà, chị Liên hoa cả mắt. Cộng thêm với khoảng 10 nhà ở đằng ngoại thì vị chi Tết này vợ chồng chị phải dạo một lượt tới 50 nhà. Chồng chị bảo, ở Thái Bình quê anh, tục vợ chồng mới phải đi khắp lượt họ hàng, cô dì chú bác, gọi là nhận họ, đã có từ lâu lắm rồi, ai cũng phải thế nên không đi không được.
Nhận họ thì phải quà, cứ tính mỗi nhà trung bình 50.000 đồng thì đã mất 2,5 triệu đồng rồi. Chưa kể tiền biếu bố mẹ hai bên, tiền mua sắm đồ ăn thức uống, tiền mừng tuổi… Tổng cộng đến trên dưới chục triệu đồng. Mới nhẩm tính sơ sơ, chị Liên đã thở dài ngao ngán. Khoản tiền đó bằng ba tháng lương của chị.
“Không nói đến tiền, chỉ nói đến việc đi thôi cũng thấy chóng mặt. 50 nhà, mà có phải nhà nào cũng gần đâu. Trời tạnh, ấm còn đỡ, chứ cứ lạnh thế này, lại thêm mưa phùn gió bấc nữa thì… Thật mệt mỏi quá!” chị Liên chán nản.
Giống như chị Liên, Tết Tân Mão này cũng là năm đầu tiên chị Nhâm về làm dâu ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chị đã quen với nếp sống khép kín thị thành, nhà nào biết nhà nấy. Tết nhất, có đi đâu chơi cũng không lỉnh kỉnh quà cáp. Hiểu vợ nên chồng chị đã “lên giây cót” cho vợ việc Tết này về quê sẽ phải đi ra mắt… cả làng, vì cả làng họ hàng với nhau.
“Vẫn biết việc nhận họ sẽ giúp cho tình cảm anh em, họ hàng gắn bó thân thiết hơn, nhưng chỉ nghĩ đến tôi đã thấy chân mỏi rã rời,” chị Nhâm chia sẻ.
Theo chị Nhâm, áp lực không chỉ là phải đi nhiều, mà còn ở chỗ mình sẽ không được thoải mái. Dâu mới, đi đâu cũng phải giữ ý tứ, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên đến mỏi miệng, vì ai cũng nhìn mình dò xét, đánh giá.
Nhà ngoại… ra rìa
Căng thẳng vì trở thành tâm điểm chú ý của họ hàng nhà chồng, nhiều nàng dâu mới còn thấy hụt hẫng và tủi thân khi việc về thăm, chúc Tết bố mẹ đẻ khó ngang… lên trời.
Lấy chồng ở tận Thanh Hóa trong khi nhà bố mẹ đẻ ở Phú Thọ, xa xôi hàng trăm cây số nên từ hôm 25 tháng Chạp, vợ chồng chị Hiền đã tranh thủ về Phú Thọ tết đằng ngoại. Năm đầu ăn Tết xa nhà, vừa buồn, vừa thương bố mẹ thui thủi một mình, chị Hiền ngỏ ý xin phép mẹ chồng đến mùng 4 được về quê thì đã nhận được ngay một cái lườm “cháy cả da mặt”. Mẹ chồng chị thủng thẳng: “Thuyền theo lái, gái theo chồng” rồi quay ngoắt vào nhà, mặc con dâu tủi thân đến ứa nước mắt.
Khác với chị Hiền, bị gia đình chồng ngăn cản việc về thăm bố mẹ đẻ, nhưng chị Sen vẫn quyết định đi. Xin phép về Tết nhà ngoại thì mẹ chồng gạt phăng, chị khẳng khái bảo: “Con phải về ít nhất một ngày” rồi thủ thỉ cùng chồng và tự lên lịch. Mùng Một, mùng Hai ở nhà chồng, mùng Ba về nhà mẹ đẻ.
Chị Sen bức xúc: “Bố mẹ mình cũng đẻ, cũng nuôi mình hai mươi mấy năm, ai cũng muốn con cái ở nhà trong ngày Tết, ngày đoàn tụ gia đình. Mẹ chồng muốn con dâu ở nhà thì bố mẹ mình cũng mong con gái vậy.”
Tuy nhiên, không phải nàng dâu nào cũng đủ “gan” để làm trái ý mẹ chồng, nhất là dâu mới. “Nói thì mẹ chồng lại bảo vừa chân ướt chân ráo vào nhà đã cãi, lại gây khó xử cho chồng. Thôi thì đành nhịn,” chị Hiền buồn rầu nói./.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)