Theo thống kê, cả nước có gần 8.000 lễ hội được tổ chức trên khắp cả nước mỗi năm, chủ yếu diễn ra vào mùa xuân trong đó có những lễ hội quy mô lớn, thu hút hàng triệu người ở nhiều nơi, nhiều độ tuổi tham gia. Tuy nhiên, trong những ngày lễ hội này cũng thường gặp phải những “trục trặc” về sức khỏe, điển hình là bệnh ở đường tiêu hóa và một số bệnh lý khác nếu bạn không cảnh giác và không biết cách phòng tránh.
Tiêu chảy: Các lễ hội thường diễn ra ngoài trời nên dịch vụ ăn uống kèm theo cũng mang tính chất tạm bợ, chật chội, thiếu nước sạch, thiếu thu gom chất thải, môi trường bị ô nhiễm do bụi, ruồi, chuột… làm cho thực phẩm bị ôi thiu, nhiễm khuẩn nhưng du khách lại có tâm lý “khuất mắt trông coi, ăn qua quýt cho xong bữa” dễ gây tiêu chảy. Đây là bệnh thường gặp nhất nhưng cũng dễ phòng tránh nếu hạn chế sử dụng dịch vụ bán rong tại lễ hội.
Đây là tình trạng bệnh lý xảy ra do ăn, uống thực phẩm có chứa chất độc. Trong các lễ hội, lưu lượng người đi lại đông đúc, sự phục vụ cẩu thả, dụng cụ ăn uống không được rửa sạch kết hợp với môi trường ẩm ướt do mưa xuân là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển trong thực phẩm, gây hư hỏng và nếu được đem vào sử dụng sẽ gây ngộ độc cho người dùng. Bên cạnh đó, có thể vì lợi nhuận mà hàng quán bán những loại thực phẩm có hại cho sức khỏe như chất bảo quản, hàn the, nước uống nhiễm khuẩn… cho du khách cũng khiến họ bị ngộ độc với biểu hiện đau bụng từng cơn, nôn nhiều lần, có thể có tiêu chảy, mệt mỏi.
Chấn thương: Thường gặp khi xảy ra tai nạn do chen lấn, xô đẩy khi xem hội, lễ chùa… Tại lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) ngày khai hội, hàng triệu người chen nhau từng centimet lên chùa Đồng, tại lễ hội chùa Hương cũng có khoảng 50 vạn người chen chân ngày khai hội… Mặc dù tại những địa điểm nổi tiếng này đã có dịch vụ cáp treo nhưng lượng người đi bộ vẫn rất đông đảo. Đây là nguyên nhân dẫn đến những chấn thương không mong muốn do va chạm, những chấn thương này có thể nặng hoặc nhẹ tùy theo mức độ va chạm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu mỗi người đều có ý thức nhường nhịn nhau.
Ngất: Mặc dù đây là hiện tượng không xảy ra phổ biến nhưng vẫn có thể gặp ở những trường hợp đặc biệt như những người mắc bệnh mạn tính: hen phế quản, bệnh tim mạch khi tham dự lễ hội có nhiều người tham gia và khói hương nghi ngút cũng là yếu tố khởi phát cơn hen...
Ngoài ra, những bệnh lý khác cũng có thể xuất hiện tại mùa lễ hội như dị ứng, cảm cúm do lượng người đông nên rất dễ lây nhau… nhưng nếu biết cách phòng tránh thì bạn sẽ có chuyến du xuân vui vẻ. Đối với những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, hen phế quản, viêm khớp… thì nên cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng trước chuyến đi để tránh những trục trặc có thể xảy ra. Và điều quan trọng hàng đầu vẫn là giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu bắt buộc phải lựa chọn dịch vụ ăn uống tại lễ hội, tốt nhất bạn nên tránh các quán hàng rong, quán vỉa hè.
Theo SK & ĐS Online