Tắm gội, giặt giũ tạo sự sạch sẽ, vừa nhằm tự trọng bản thân, vừa nhằm tôn trọng người xung quanh. Những việc đó giúp sạch sẽ và nếu thiếu nó chúng ta dễ mắc bệnh như đau mắt, chốc đầu, nấm da, lở loét da, ghẻ... Những việc đó trôi đi hằng ngày, tưởng như không có vấn đề gì. Thực ra cũng có những vấn đề chúng ta cần bàn.
Bàn về cách rửa mặt
Người nước ngoài có thói quen rửa mặt bằng vục nước vào lòng hai bàn tay. Hoặc là vục bằng bàn tay trần hoặc là độn ở giữa bằng chiếc khăn mặt. Vục tay trần thì họ dùng khăn khô lau thấm mặt, phơi khăn lên luôn. Vục qua chiếc khăn thì thấy họ có vắt kiệt khăn, lau khô mặt rồi giặt khăn và phơi lên. Ở ta hiện nay cũng có một số người rửa mặt theo các kiểu vừa nói. Còn đại đa số người Việt Nam ta rửa mặt với chiếc khăn mặt vắt kiệt nước. Dùng khăn vắt kiệt, ta có thể chủ động lau từ mắt trước, các vùng khác của mặt lau sau, như vậy tránh nhiễm bẩn cho mắt. Tránh được việc đưa nước bẩn lọt vào mắt của việc vục nước rửa mặt. Vục như vậy dễ cuốn theo bụi bặm, mồ hôi, dỉ mắt dính quanh mi đưa lọt vào mắt.
Nên rửa mặt vào những lúc nào?
Nói chung, ai trong chúng ta cũng rửa mặt vào buổi sáng lúc ngủ dậy. Như vậy chưa đủ. Ta nên cố gắng rửa mặt thêm một lần trước bữa cơm chiều, sau một ngày làm việc hoặc sinh hoạt. Có đi ra ngoài đường thì mặt bám bụi đã đành. Nhưng chỉ ở nhà thôi thì mặt vẫn bám bụi. Bạn cứ thử làm và so sánh. Hôm nào có rửa mặt thêm một lần vào buổi chiều tối thì sáng hôm sau hai mắt đỡ hẳn kệnh, vướng, quang quẻ hơn. Ta cũng nên rửa mặt sau khi ngủ dậy ban trưa. Rửa như vậy đem lại cảm giác tỉnh táo bởi vì ta có đưa khăn ướt mát qua da mi và mặt. Mà nguyên tắc sinh lý cơ thể là lạnh thì gây hưng phấn, nóng thì gây ức chế. Ngay chuyện các cháu sau ngủ đêm, ngủ trưa, thức dậy nó cứ ngái ngủ, quấy khóc. Nếu có ngay khăn ướt, mát, lau qua mắt và mặt cho nó, nó sẽ đỡ ngái ngủ và trở lại vui vẻ, không quấy khóc hoặc giảm quấy khóc ngay.
Cách rửa mặt đúng
Cần vắt kiệt khăn mặt để nước khăn mặt khỏi lọt vào mắt. Và như đã nói ở phần trên, ta lau từ mắt trước, rồi sau đó mới lau các vùng khác của mặt. Đã lau khăn qua các vùng khác rồi đừng lau trở lại vào mắt. Trình tự này dễ bị vi phạm, nhất là việc lau miệng cho các cháu nhỏ sau khi ăn. Nhiều người cứ lau miệng, lau nước mũi cho trẻ, lại thấy trẻ khóc nước mắt dàn dụa thì đưa luôn chiếc khăn đó lên lau mắt. Như vậy gây bẩn cho mắt cháu bé.
Thêm vấn đề nữa là việc lau miệng cho trẻ sau khi ăn mặn (bột mặn, cháo mặn, bún, mỳ ăn liền...). Có người lau miệng trẻ bằng khăn khô. Như vậy không nên vì gây đau rát cho trẻ. Ta nên lau khăn ướt sau khi đã giặt cho sạch mặn. Đừng lau khăn dính mặn cho bé từ cằm, môi rồi tiện tay đưa cao lên cả vùng gò má. Da bé bị mặn, biểu mô da bị mất nước tế bào, bong ra, nhiễm khuẩn, viêm sẩn rồi ta lại chẩn đoán lầm là trẻ bị chàm sữa.
Về chiếc khăn mặt
Khăn rửa mặt của người lớn hoặc trẻ con, khăn lau tay, lau miệng của các bé rất chóng bẩn. Chỉ cần cách một ngày không giặt xà phòng, hôm sau vò khăn với xà phòng, vắt trên nền bồn rửa sứ trắng, thấy nước đen xì như nước pha bột than. Cho nên, hằng ngày ta nên cố gắng giặt khăn lau rửa mặt, khăn lau miệng bằng xà phòng và nhớ xối nước kỹ để làm sạch xà phòng đi. Bởi vì để sót xà phòng thì dễ làm kích thích hoặc dễ gây cả tổn thương da vì xà phòng là chất kiềm, có thể gây xước, loét da.
Theo SK & ĐS Online