Tai nạn bỏng hay gặp trong sinh hoạt, lao động, thảm họa cháy nổ… do nhiệt, điện, hoá chất (vôi tôi, axít ), ánh nắng mặt trời gây ra. Việc cấp cứu một trường hợp bị bỏng phải nhanh chóng, đúng phương pháp mới có thể giảm các biến chứng hay di chứng do bỏng, hạn chế tử vong.
Làm sao đánh giá bỏng nhiều hay ít?
Có nhiều phương pháp đánh giá bỏng nhiều hay ít, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu hai cách đánh giá tiện lợi, dễ nhớ như sau: Một là, phương pháp số 9 của Wallace - Glumov, tổng diện tích da của cơ thể là 100%, vùng đầu mặt cổ là 9%; một chi trên là 9%; một chi dưới là 18 % (9% x 2); thân trước là 18%; thân sau: 18%; bộ phận sinh dục ngoài: 1%. Hai là, phương pháp bàn tay của Blokhin: diện tích một gan bàn tay của bệnh nhân bằng 1 - 1,25% diện tích cơ thể. Như vậy chỉ việc ướm gan bàn tay của bệnh nhân lên vùng bỏng là đánh giá được diện tích bỏng, ví dụ vùng bỏng ướm bằng 3 lần gan bàn tay bệnh nhân thì diện tích bỏng khoảng 3 - 3,75%.
Tổn thương bỏng tay phải
Cách xử trí cấp cứu một trường hợp bỏng
Khi gặp một người bị bỏng, chúng ta cần tiến hành xử trí cấp cứu như sau: tại vết bỏng, trước hết phải loại bỏ tác nhân gây bỏng còn lại, rửa sạch vết bỏng; đánh giá diện tích của vết bỏng; dùng thuốc điều trị vết bỏng. Những việc làm này phải thực hiện càng sớm càng tốt, không gây đau đớn thêm cho bệnh nhân, muốn thế phải thao tác nhẹ nhàng tỷ mỷ, đảm bảo sạch sẽ không gây nhiễm khuẩn cho vết bỏng. Loại bỏ tác nhân gây bỏng bằng cách: dập lửa, ngắt cầu dao điện, đưa nạn nhân ra khỏi nơi gây bỏng như: đám cháy, hố vôi… Ngâm vùng bị bỏng vào nước sạch, lạnh từ 16-200C, trong thời gian từ 20-30 phút. Nếu ngâm trong 20 phút đầu sau khi bỏng thì rất hiệu quả, còn để sau 30 phút mới ngâm nước lạnh thì không còn giá trị nữa. Cần lưu ý là không ngâm vùng bỏng vào nước đá. Rửa sạch vết bỏng bằng nước sạch, dùng bông hay gạc lau nhẹ nhàng để lấy sạch đất, cát, dị vật dính ở vết bỏng. Băng ép chặt vừa phải để hạn chế sự phát triển của dịch nốt phỏng và phù nề vùng bỏng, che phủ vết bỏng tránh nhiễm khuẩn. Bỏng do điện mà nạn nhân bị sốc do điện thì phải hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực ngay tại chỗ cho đến khi bệnh nhân tự thở được và tim đập lại. Trường hợp bị bỏng hoá chất phải dùng các chất để trung hoà, như bỏng axít thì dùng bazơ loãng, bỏng vôi tôi thì dùng axít loãng để trung hòa.
Xử trí bỏng do axít: rửa vết bỏng bằng nước lạnh để giảm bớt nồng độ axít bám trên da. Sau đó mới dùng dung dịch bazơ nhẹ để trung hoà axít như: dung dịch natri bicacbonat 10-20%, nước xà phòng hoặc nước vôi trong 5%. Cách làm: tẩm dung dịch bazơ vào gạc vô trùng đắp vào vùng bỏng, tiếp đó đặt gạc khô băng kín lại.
Xử trí bỏng do vôi tôi nóng: rửa vết bỏng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Sau đó nếu có sẵn NH4Cl thì rửa lại bằng dung dịch NH4Cl 3%, 5%. Cắt bỏ vòm các nốt phỏng, lau hay gắp bỏ vôi còn dính ở vết bỏng, rửa lại bằng nước muối sinh lý 0,9%. Dùng gạc vô trùng tẩm dung dịch axít hữu cơ như: axit boric 3%, axit axetic 6%, dấm thanh, nước vắt quả chanh, nước đường kính phủ lên vết bỏng.
Sau đó đặt gạc khô, băng kín vết bỏng. Sau khi xử trí vết thương bỏng như trên, chuyển bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất như trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực…
Dội nước lạnh lên vùng bỏng từ từ để giảm đau và hạn chế tổn thương.
Chăm sóc bệnh nhân bỏng ở tuyến cơ sở
Việc chăm sóc bệnh nhân bỏng ở tuyến cơ sở phải đảm bảo vô khuẩn: khi thay băng phải thực hiện ở phòng vô khuẩn. Cán bộ y tế thay băng phải mặc quần áo, mũ công tác, đeo khẩu trang vô khuẩn, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đi găng tay vô trùng. Dụng cụ y tế, bông, băng, gạc đều phải dùng loại đã được tiệt khuẩn. Bệnh nhân phải được lau sạch những phần không bị bỏng, cởi bỏ quần áo bẩn trước khi vào buồng băng, sau đó mới cởi băng cũ để thay. Rửa vết bỏng từ vùng sạch rồi mới sang vùng bẩn, nên theo trình tự từ trên xuống dưới: vùng đầu, mặt rửa trước…, vùng bàn chân, tầng sinh môn rửa sau cùng. Đối với vùng da lành xung quanh vết bỏng, phải rửa bằng nước đun sôi để nguội và nước xà phòng, lau khô rồi bôi cồn iốt hoặc cồn 700. Vết thương bỏng được rửa bằng nước xà phòng, sau đó rửa lại bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, lấy bỏ dị vật, cắt bỏ vòm nốt phỏng, cắt bỏ da hoại tử. Rửa lại bằng nước muối sinh lý 0,9%, thấm khô, bôi thuốc điều trị tại chỗ như kháng sinh, mỡ kháng sinh, panthenol, mỡ trăn…, băng kín vết thương bỏng bằng gạc vô trùng.
Trường hợp bệnh nhân có khát nước: cần cho uống dung dịch oresol, uống đến khi hết khát. Đối với bệnh nhân có biểu hiện sốc bỏng cần truyền dịch bồi phụ nước và điện giải. Đối với người lớn, khối lượng dịch cần truyền trong 24 giờ đầu sau bỏng theo công thức Evans gồm: dung dịch điện giải: 1ml/1kg thể trọng x % diện tích bỏng; dung dịch keo: 1ml/1kg x % diện tích bỏng; glucose 5%: 2.000ml. Cách truyền: truyền một nửa tổng lượng dịch truyền trong 8 giờ đầu, nửa còn lại truyền hết trong 16 giờ sau. Bỏng trên 50% diện tích cơ thể thì chỉ tính lượng dịch truyền bằng bỏng 50% diện tích, nhưng không truyền quá 10 lít/24 giờ. 24 giờ tiếp theo: lượng dịch điện giải và dịch keo truyền bằng 1/2 ngày đầu, glucose 5%: 2.000ml. Đối với trẻ em, khối lượng dịch truyền trong 24 giờ đầu sau bỏng theo công thức Parland gồm: dung dịch ringer lactat: 4ml x % diện tích bỏng x cân nặng. Cách truyền tương tự người lớn. Ngoài ra cần cho bệnh nhân dùng thuốc trợ tim, trợ hô hấp, chống toan hoá máu, kháng histamin… Đối với các trường hợp bỏng nặng, chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa bỏng càng sớm càng tốt.
Theo suckhoedoisong online