Cập nhật: 18/06/2011 19:03:18 Article Rating
Xem cỡ chữ

Công nghệ xét nghiệm mô tự động giúp giảm các bước xét nghiệm thủ công bằng tay, từ đó giảm rủi ro sai sót, rút ngắn thời gian chẩn đoán, tăng cường tính chính xác của xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư

Tiến sĩ Thomas Grogan, Giáo sư Danh dự phân ngành Giải phẫu bệnh học thuộc Đại Học Arizona (Hoa Kỳ), là bác sĩ giải phẫu bệnh, đã có công lớn trong cách mạng hóa ngành chẩn đoán mô bệnh học bằng việc đưa ra công nghệ chẩn đoán mô bệnh học tự động – phương pháp giúp chuẩn hóa và mang lại kết quả xét nghiệm chính xác hơn - vào thập niên 1980. Ông đang có chuyến công tác trong tháng 6/2011 qua một số địa điểm ở châu Á, trong đó có TP HCM, với mục tiêu cải thiện hiệu quả chẩn đoán ung thư ở khu vực này.

 

Tiến Sĩ Thomas Grogan cho biết: “Khi bắt đầu bước vào công tác của một nhà nghiên cứu bệnh học, tôi nhận thấy chẩn đoán ung thư mất rất nhiều thời gian, điều này đưa đến nhiều bất lợi cho bệnh nhân cũng như bác sỹ điều trị. Ngoài ra, rủi ro phạm sai lầm cũng rất cao vì việc chẩn đoán mô bệnh học vẫn chủ yếu thực hiện theo phương thức thủ công bằng tay”. Công nghệ xét nghiệm mô tự động trong cá nhân hóa chăm sóc sức khỏe người bệnh ung thư giúp giảm thiểu các bước xét nghiệm thủ công bằng tay, từ đó giảm thiểu rủi ro sai sót, rút ngắn thời gian chẩn đoán, tăng cường tính chính xác của xét nghiệm. Từ đó bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm hơn, hợp lý hơn.

 

Bước tiến quan trọng trong việc chẩn đoán mô bệnh học do Tiến Sĩ Grogan phát triển hơn nữa đó là công nghệ xác định dấu ấn sinh học trên tiêu bản mô bệnh phẩm (Tissue-based markers). Công nghệ này cho phép bác sĩ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân cụ thể (hay còn gọi là cá nhân hóa công tác chăm sóc sức khỏe).

 

 

TS Thomas Grogan

 

PV: Xin Tiến sĩ cho biết phương pháp xét nghiệm mô tự động hiện được ứng dụng rộng rãi ra sao ở trên thế giới và tính ưu việt của phương pháp nay so với phương pháp được áp dụng trước đó?

 

TS Thomas Grogan: Hiện nay, phương pháp chẩn đoán mô tự động đang ngày càng thay thế phương pháp cũ trên toàn thế giới. Điều này có được là do phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội. Thứ nhất, nó giúp giảm thời gian cần thiết để chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân, do đó người bệnh có thể được hưởng lợi từ các phương pháp điều trị sớm hơn. Thứ hai, các xét nghiệm tự động có tính chính xác hơn, giảm các sai sót do con người tạo ra, và trong nhiều trường hợp, có khả năng cung cấp nhiều thông tin về bệnh chi tiết hơn. Như thế sẽ giúp cho bệnh nhân có thể nhận được các phương pháp điều trị tối ưu. Thứ ba, độ tin cậy của các xét nghiệm được cải thiện đáng kể, giúp tăng thêm sự tự tin khi sử dụng các kết quả này, và nhờ đó, tránh được các trường hợp chẩn đoán sai hoặc chẩn đoán không đầy đủ. Nhờ đó bệnh nhân sẽ được điều trị với phương pháp thích hợp, và người ta không phải dò tìm cơ hội chữa bệnh cho bệnh nhân.

 

PV: Thưa ông, công nghệ xác định dấu ấn sinh học trên tiêu bản mô bệnh phẩm (Tissue-based markers) có ý nghĩa như thế nào trong chẩn đoán bệnh và phù hợp để điều trị những bệnh ung thư nào? Ông có thể cho ví dụ cụ thể  để minh họa?

 

TS Thomas Grogan: Công nghệ xác định dấu ấn sinh học trên tiêu bản mô bệnh phẩm là một yếu tố quan trọng trong phương thức chăm sóc sức khỏe cá nhân, giúp theo dõi điều trị cũng như tìm ra phương pháp trị liệu thích hợp cho từng bệnh nhân. Điều này rất cần thiết trong việc xác định bệnh nhân nào sẽ có đáp ứng với liệu pháp điều trị nào, bằng cách xác định chính xác loại ung thư của người bệnh.

 

Ví dụ, chúng ta cần xác định các dấu ấn sinh học trên mẫu mô để xác định các bệnh nhân ung thư vú, ung thư dạ dày có HER2 dương tính bằng cách sử dụng công nghệ lai tại chỗ bằng tác nhân bạc hoàn toàn tự động HER2 SISH, và chúng ta cũng biết rằng các bệnh nhân này có đáp ứng tốt với liệu pháp kháng HER2 (gọi là Herceptin). Như vậy, bằng cách xác định bệnh nhân có HER2 dương tính, bác sĩ điều trị có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng liệu pháp điều trị thích hợp ngay lập tức, với tiên lượng rằng liệu pháp đó chắc chắn sẽ giúp cải thiện khả năng sống sót và chất lượng sống của người bệnh một cách rõ rệt.

 

PV: Phương thức cá nhân hóa chăm sóc sức khoẻ có thể giúp tiết kiệm chi phí điều trị như thế nào? Xin Tiến sĩ giải thích.

 

TS Thomas Grogan: Phương thức cá nhân hóa chăm sóc sức khỏe giúp sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực vì nó giúp xác định khả năng đáp ứng của mỗi bệnh nhân với từng phương pháp điều trị riêng biệt. Điều nay giúp tránh được cách tiếp cận cũ là “thử và sai”, trong đó bệnh nhân buộc phải thử nhiều liệu pháp điều trị nhằm tìm ra liệu pháp nào phù hợp nhất. Quy trình “thử và sai” này không chỉ tốn nhiều tiền của, công sức mà còn trì hoãn thời gian tiếp cận được liệu pháp điều trị tối ưu, và do đó, càng tạo điều kiện cho bênh tiến triển cũng như giảm cơ hội chữa trị cho bệnh nhân. Nó đồng thời cũng đặt bệnh nhân vào tình trạng đối diện với nhiều tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị vốn không đem lại kết quả tốt.

 

PV:  Ông có thể cho biết về chuyến công tác châu Á lần này của ông để cải thiện chẩn đoán ung thư ở khu vực này ?

 

TS Thomas Grogan: Trong chuyến công tác lần này, tôi sẽ đến Việt Nam, Hồng Kông và một số thanh phố ở Trung Quốc, và sẽ có nhiều buổi nói chuyện với các chuyên gia y tế cũng như bác sĩ giải phẫu bệnh về Tự động hóa và những xét nghiệm mới trong phương thức chăm sóc sức khỏe cá nhân, nhằm giúp bệnh nhân ung thư trong khu vực này có thể nhận được sự chăm sóc/điều trị tốt hơn.

 

Tôi cũng sẽ làm việc với các cơ quan truyền thông nhằm kêu gọi sự chú ý của cộng đồng về vấn đề này. Và tôi mong muốn rằng người bệnh sẽ ngày càng chú ý hơn đến các lựa chọn thích hợp khác nhau cho mình, các chuyên gia y tế cũng sẽ được giới thiệu nhiều phương pháp xét nghiệm mà họ có thể yêu cầu và biết chắc rằng có thể tự tin khi sử dụng các xét nghiệm đó, đồng thời các phòng xét nghiệm sẽ hoàn toàn nhận thức được ưu điểm và lợi ích của các xét nghiệm hoàn toàn tự động và chuẩn hóa.

 

PV: Hiện nay ở Việt Nam nhiều người còn quan niệm rằng “ung thư là căn bệnh chết người”, sớm muộn gì thì cũng chết, dù phát hiện muộn hay sớm. Ông nghĩ sao về quan niệm này?

 

TS Thomas Grogan: Các tiến bộ trong phương thức chăm sóc sức khỏe cá nhân đã thay đổi vấn đề chẩn đoán/điều trị ung thư, cùng với các chẩn đoán chuyên biệt về gen và protein cũng như liệu pháp điều trị ung thư nhắm trúng đích, cũng đã đem lại nhiều hy vọng cho người bệnh. Chẩn đoán mô học đóng vai trò rất quan trọng trong nhận thức quy trình cá nhân hóa chăm sóc sức khỏe, cho phép bác sĩ tìm ra phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị và chất lượng sống của người bệnh.

 

Cùng với sự phát triển này, nếu bệnh ưng thư được chẩn đoán và điều trị sớm với phương pháp thích hợp, cơ hội kéo dài cuộc sống của bệnh nhân sẽ được gia tăng đáng kể, thậm chí là cơ hội được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu thời gian mà người bệnh nhận được chẩn đoán chính xác cũng như phương pháp điều trị đúng càng kéo dài, thì thời gian bệnh ung thư tiến triển không kiểm soát cũng dài hơn. Điều này cho thấy sự cần thiết của chẩn đoán mô học hoàn toàn tự động và chuẩn hóa đang trở thành một trong những tiêu chuẩn cuả quy trình chăm sóc sức khoẻ.

 

Tôi kêu gọi các bệnh viện, các phòng xét nghiệm và các chuyên gia y tế nên tận dụng tối đa các lợi ích và ưu điểm của chẩn đoán mô học tiên tiến, cũng như phương thức chăm sóc sức khỏe cá nhân, nhằm giúp cung cấp cho mỗi bệnh nhân phương pháp chăm sóc và điều trị tối ưu nhất./.

 

 

Theo VOVNEWS

Tệp đính kèm