Cập nhật: 23/06/2011 16:27:05 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với tinh thần “cảnh giác cao độ”, người mua sắm không dễ dàng chấp nhận những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như thông tin không đầy đủ.

 

Tuy nhiên, đối với quần áo, họ chẳng mấy khi quan tâm đến những yếu tố này. Đẹp thì mặc, hợp thì mua…, thói quen shopping dễ dãi này đôi khi dẫn đến những hiểm họa khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.

 

Quần áo cũng có độc tố?

 

Những cảnh báo về tác hại của chì thời gian gần đây khiến mọi người lo lắng và cảnh giác đối với những vật dụng trong nhà. Tuy nhiên, với riêng quần áo, dường như chưa thấy bất kỳ sự cảnh giác nào. Chị em vẫn “ủn” quần áo mới về nhà với số lượng không thể đếm xuể. Ai biết chắc những bộ trang phục với đủ màu sắc có tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh hay không? Vấn đề ở chỗ nguồn gốc của chúng đa số đều là hàng nhập từ “thiên đường mua sắm” không có thương hiệu rõ ràng.

 

Chưa có những bằng chứng cụ thể về thuốc nhuộm quần áo có chất gây hại hay không, chính sự mập mờ này dẫn đến những lo lắng đối với người luôn quan tâm đến sức khỏe. Chị Mai Phương (26 tuổi) cho biết: Nghe bạn bè và đồng nghiệp nói thuốc nhuộm quần áo có thể gây hại đến sức khỏe, tôi mới bắt đầu để ý đến vấn đề này, trước đây thì chỉ biết mua và mặc thôi, chứ không mấy khi tôi xem sản phẩm mình lựa chọn có xuất xứ như thế nào. Thực ra, tôi để ý khi giặt quần áo có gam màu đậm như đen, đỏ, tím… thì dường như màu phai ra không biết bao nhiêu cho xuể. Kể cả khi tôi đã giặt rất nhiều lần thì màu vẫn phai nhiều như lần giặt đầu tiên. Tôi không rõ thuốc nhuộm vải có những tác hại gì, chả lẽ lại mang quần áo đi kiểm nghiệm…?

 

Hiện nay, thị trường quần áo phát triển nhiều và nhanh đến mức không thể kiểm soát nổi. Ngoài những thương hiệu nhập ngoại đẳng cấp và những sản phẩm made in Vietnam, đa số sản phẩm thời trang đều xuất phát từ nguồn xách tay và từ thiên đường nhái hàng hiệu tuồn về với số lượng rất lớn. Theo lẽ thường, chả có ai dại gì mà mang những sản phẩm xách tay đi kiểm nghiệm xem chúng có thực sự an toàn hay không. Ngay cả người tiêu dùng – đối tượng tiếp xúc với sản phẩm thời trang xách tay cũng không hề quan tâm đến vấn đề này. Trong khi cụm từ “an toàn thực phẩm” đã trở thành điệp khúc xuất hiện ở bất cứ nơi đâu thì lẽ nào vấn đề “an toàn thời trang” không được nhắc đến, dù chỉ là một chút.

 

Thói quen mua hàng “ngon - bổ - rẻ”

 

Có nhiều lý do khiến người mua kết hàng thời trang xách tay không rõ xuất xứ: giá cả phải chăng, mẫu mã phong phú… Tuy nhiên, chính những yếu tố này đã làm họ trở nên “mụ mị” trước những mối nguy hại đang rình rập. 

 

Ngoài những yếu tố như thời tiết, ăn uống…, không phải ai cũng biết “kẻ thù” của làn da chủ yếu xuất phát từ quần áo. Phần lớn nguyên nhân khiến bạn dễ bị nhiễm trùng da là do quần áo có chất liệu pha nhiều nilon hoặc tồn dư các hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe như formandehyd, độ pH cao, chất nhuộm độc hại. Những loại quần áo được dệt dày, nhiều chi tiết thêu… sẽ khiến mồ hôi nhiễm các chất độc, sau đó quay ngược lại thấm vào da và gây nhiễm trùng. Vì thế, bạn không nên lựa chọn các mẫu quần áo cầu kỳ làm bằng chất liệu pha nhiều nilon. Quần áo bằng chất liệu cotton mềm, nhẹ, hút ẩm sẽ lý tưởng cho da vì giúp thoáng khí, thoát mồ hôi ngay cả trong mùa lạnh và mùa nóng.

 

Lựa chọn nào phù hợp nhất?

 

Theo các chuyên gia, vải terylene, nilon và spandex là sợi tổng hợp được chiết xuất từ dầu mỏ, đảm bảo vệ sinh, hút ẩm và thoáng khí, tốt cho sức khoẻ. Còn sợi gai làm từ sợi nhân tạo, khả năng hút ẩm kém. Khi lựa chọn trang phục, bạn nên chú ý đến những yếu tố trên. Tất nhiên, sản phẩm không rõ xuất xứ thì không thể đầy đủ những thông tin này. Bạn nên thay đổi thói quen mua sắm trang phục, hãy chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đặc biệt là tìm hiểu kỹ nguồn gốc của sản phẩm. Bạn nên chú ý lựa chọn quần áo được may từ các loại vải mềm, nhẹ, tránh vải có sợi kim tuyến hay dạ gai, xơ vì mặc vào sẽ bị ngứa ngáy, khó chịu. Vào mùa đông, nếu chọn vải dạ, nên chọn loại có lớp lót phía trong, đảm bảo không bị ngứa mà vẫn ấm...

 

Các chuyên gia đều cho rằng, có thể giảm bớt nồng độ pH ở quần áo bằng cách ngâm kỹ vào nước, sau đó giặt sạch trước khi mặc, pH là chất tan trong nước, vì thế ngâm lâu sẽ giảm được nồng độ.  

 

 

Theo SK & ĐS Online

Tệp đính kèm