Viêm ruột hoại tử là một bệnh cấp tính, thường xảy ra vào mùa hè, gặp nhiều ở trẻ em, do vi khuẩn Clostridium Welchi gây ra. Bệnh gây nhiễm độc và hoại tử ruột. Ăn uống thiếu chất đạm, kèm theo tình trạng vệ sinh môi trường và thực phẩm kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Do đâu trẻ em dễ bị viêm ruột hoại tử?
Viêm ruột hoại tử (VRHT) do vi khuẩn Clostridium Welchi type C (CWC) gây ra. Bệnh gây nhiễm độc với tổn thương hoại tử ruột. Vi khuẩn CWC có thể tìm thấy trong phân của bò, lợn và cả trong phân của người lành. Những yếu tố nguy cơ gây bệnh là: vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm kém; trẻ em bị nhiễm giun đũa; người ăn ít chất đạm, nay đột nhiên được ăn nhiều thịt, nhất là thức ăn đó bị nhiễm khuẩn này làm cho cơ thể thiếu hụt nhất thời men trypsin. Độc tố toxin của vi khuẩn rất dễ bị hủy diệt bởi men trypsin. Nếu người ăn ít protein, hoặc ăn loại thức ăn có nhiều chất chống trypsin như: khoai lang, đậu nành, cơ thể có nhiều giun đũa... khi đó độc tố toxin không bị trung hoà bởi men trypsin của ruột, gây nên hoại tử ruột.
Cách phát hiện bệnh
Một vài nghiên cứu cho thấy: bệnh viêm ruột hoại tử thường xảy ra vào mùa hè; tỉ lệ tử vong là 69 - 80% đối với thể nặng, 51,8% số trẻ mắc bệnh bị tử vong. tần suất mắc bệnh 48,3/10.000 dân và 33/10.000 trẻ em dưới 15 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở nông thôn 86%, thành phố và vùng ven 14%. Tuổi mắc bệnh nhiều nhất là 4 - 9 tuổi (61,45%), trẻ trai mắc bệnh nhiều hơn trẻ gái.
Một người bị nhiễm khuẩn thì sau thời gian ủ bệnh trung bình từ vài giờ đến vài ngày sẽ bị đau bụng - là triệu chứng đầu tiên của bệnh - xuất hiện sớm nhất nhưng lại hết đau chậm nhất. Lúc đầu trẻ đau từng cơn, sau đó đau âm ỉ, đau tăng khi ăn uống. Đau ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn, nhưng có khi không xác định được vị trí đau. Đau kéo dài từ 4 - 12 ngày, trung bình là 9 ngày. Trường hợp VRHT có choáng, cơn đau dữ dội hơn và kéo dài trên 9 ngày. Sốt xuất hiện sau đau bụng, tất cả bệnh nhân bị bệnh đều có sốt. Trường hợp có choáng, sốt thường cao trên 38,5°C. Khi thấy sốt cao kéo dài, hoặc xuất hiện sau tuần thứ hai, cần cảnh giác phát hiện những biến chứng của VRHT như tắc ruột, viêm phúc mạc, viêm phổi... Choáng thường xảy ra vào ngày thứ nhất hoặc thứ hai của bệnh, ít khi xảy ra vào ngày thứ 3, thứ 4, rất hiếm vào ngày thứ 5, thứ 6. Kèm với choáng, bệnh nhân có nổi vân tím. Tỷ lệ tử vong cao nếu có vân tím xuất hiện. Choáng thường hồi phục trước 24 giờ nếu bệnh nhân còn sống. 100% bệnh nhân có đại tiện ra máu, từ ngày đầu hoặc ngày thứ 2 của bệnh, là triệu chứng quan trọng nhất có giá trị quyết định chẩn đoán. Phân thường có màu đen nâu, lỏng, có mùi thối khắm. Lượng phân mỗi lần đi khoảng 50-200ml, bệnh nhân đi ngoài dễ dàng, không mót rặn, nhưng có trường hợp trẻ không tự đi ngoài được, phải ấn mạnh vào bụng hoặc thăm trực tràng, hoặc đặt ống xông trực tràng thì phân mới ra được. Số ít trường hợp có táo bón sau một vài ngày đại tiện ra máu, kéo dài 2 - 3 ngày, hay kéo dài đến 10 ngày. Nếu táo bón xuất hiện mà các triệu chứng khá hơn như hết sốt hoặc giảm sốt, hoặc bụng bớt trướng thì đó là diễn tiến tốt của bệnh. Trái lại, nếu bị táo bón mà sốt gia tăng, đau bụng tăng hay bụng trướng hoặc nôn xuất hiện thì có thể là biến chứng tắc ruột, thủng ruột hay viêm phúc mạc. Nôn xuất hiện từ ngày thứ nhất đến thứ hai của bệnh và hết nôn vào ngày thứ 3, ít khi kéo dài quá 7 ngày. Nôn tái xuất hiện vào tuần lễ thứ 2 thì thường là do biến chứng tắc ruột. Chất nôn là dịch dạ dày, có thể kèm theo giun đũa. Nếu bệnh nặng, chất nôn có thể có máu đen nâu hoặc máu bầm lợn cợn. Bụng trướng tương đối muộn, thường vào ngày thứ 3, nếu bụng trướng sớm là dấu hiệu của bệnh nặng. Khi bụng trướng đến tuần lễ thứ 2, cần theo dõi biến chứng tắc ruột.
Nếu bệnh nhân sốt cao trên 39°C, triệu chứng nhiễm độc nhiễm khuẩn nặng, nôn nhiều, bụng trướng sớm và càng có nhiều triệu chứng thì bệnh càng nặng.
Các xét nghiệm: soi phân thấy tỷ lệ giun đũa và giun móc cao, mật độ trứng giun đũa trong nhóm trẻ bị VRHTcao gấp 2 lần so với nhóm trẻ bình thường. Cấy phân tìm thấy vi khuẩn trong dịch ruột non vùng tổn thương. Chụp Xquang có hình ảnh tắc ruột với mức hơi - nước; hình ảnh đèn xếp ở bên trái ổ bụng…
Phương pháp điều trị và phòng bệnh
Cần lưu ý, bệnh VRHT là một bệnh nặng, diễn biến nhanh, vì thế khi phát hiện bệnh phải chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị. Nếu bệnh nhân không có choáng, điều trị bằng bồi phụ nước và điện giải, làm cho bụng bớt trướng. Có thể cho bệnh nhân uống dung dịch oresol hoặc truyền ringer lactate là việc làm rất quan trọng để cấp cứu.
Về dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn thức ăn nhẹ như nước súp, sữa, hay bột lỏng ngay từ ngày đầu nếu trẻ không nôn, bụng trướng nhẹ, lượng phân ít. Cho ăn ít một và ăn nhiều bữa trong ngày. Nếu triệu chứng cải thiện nhiều, có thể cho ăn thức ăn đặc dần. Trường hợp nặng hoặc nôn nhiều, bụng trướng thì phải nhịn ăn, nhưng cần cho trẻ ăn sớm khi các triệu chứng đã cải thiện.
Thuốc dùng gồm: penicillin và gentamycin tiêm, hay thuốc uống cefotaxim phối hợp với metronidazole. Các trường hợp: bệnh nhẹ mà diễn biến xấu hơn; sau 2 ngày điều trị mà dấu hiệu nhiễm độc gia tăng; bụng trướng và đau bụng tăng, hút dịch đen nâu ở dạ dày; nghi ngờ thủng ruột hay tắc ruột; bệnh nặng có choáng hoặc có nguy cơ choáng thì cần phẫu thuật để cắt bỏ đoạn ruột hoại tử; dẫn lưu ruột; hoặc bơm ôxy để điều trị.
Phòng bệnh bằng các biện pháp: làm tốt công tác vệ sinh môi trường, nhất là vệ sinh phân - nước - rác, vệ sinh an toàn thực phẩm. Dùng vaccin cho trẻ lúc 2, 4, 6 tháng tuổi. Dinh dưỡng: ăn thức ăn giàu đạm, tránh ăn khoai lang sống, hoặc ăn khoai lang kèm theo một bữa tiệc. Tẩy giun đũa định kỳ…
Theo BS. Ninh Hồng /SK & ĐS Online