Mùa hè là thời điểm bệnh nhân bị rắn cắn, ong đốt tăng đột biến. Từ tháng 5 trở lại đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã tiếp nhận và cấp cứu cho hàng chục bệnh nhân bị rắn độc cắn và ong đốt. Mặc dù đã có huyết thanh kháng độc rắn, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn phải chạy thận, truỵ tim mạch do chữa thuốc nam không đúng cách, đến bệnh viện trong tình trạng muộn.
Chạy thận, vá da do rắn độc cắn
Căn phòng cấp cứu của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đông nghẹt người. Gương mặt khắc khổ của ông Cao Thanh Yên, ở xóm 7, phường Đông Vinh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An chốc chốc lại ngó vào chiếc giường nơi con trai ông đang nằm cấp cứu mà không khỏi lo lắng. Ông Yên sụt sịt: “Nghe bác sĩ bảo nó bị suy thận, tôi lo quá”.
Theo lời kể của ông Yên thì con trai ông là Cao Thanh Lịch vốn là một đầu bếp của một khách sạn lớn ở thị xã Cửa Lò. Làm đầu bếp đã 2 năm, mỗi khi có khách đặt hàng, anh Lịch có nhiệm vụ bắt và giết rắn để chế biến món ăn được cho là “đặc sản”. Cuối tháng 6/2011, một đoàn khách từ Hà Nội vào nghỉ tại khách sạn đặt món thịt rắn biển. Anh Lịch bắt trong bể 1 con rắn biển nặng chừng 4kg lên cho khách xem. Một người khách trong đoàn nghịch vào đuôi con rắn, tức thì nó quẫy mạnh và đớp vào ngón tay anh Lịch.
Tưởng rắn biển là loại rắn lành, nên anh Lịch được đưa lên Bệnh viện thị xã Cửa Lò tiêm thuốc rồi lại về làm việc bình thường. Nhưng ngay đêm hôm đó, thấy trong người có biểu hiện thay đổi, anh Lịch lại vào bệnh viện thử máu. Thấy kết quả bình thường, gia đình đưa anh về chữa thuốc nam. Tưởng rằng bài thuốc nam có tác dụng vì sau khi uống, anh Lịch bị nôn mửa theo kiểu “dã độc”. Nhưng không ngờ, hai ngày sau tất cả các khớp xương của anh đều bị tê và không đi lại được nữa.
Từ tháng 5 đến nay, ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận bệnh nhân bị rắn độc cắn, cao điểm từ 2-3 bệnh nhân nhập viện/ngày. Nhiều người vẫn chủ quan chữa rắn độc cắn bằng các bài thuốc dân gian. Chính vì điều đó mà không ít bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, mí mắt sụp phải thở bằng máy và điều trị vá da do hoại tử.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Thành, ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là một điển hình. Vốn làm nghề bắt lươn, nhưng giữa tháng 6/2011, anh Thành lại bắt nhầm phải con rắn cạp nia và bị nó cắn vào tay. Chủ quan, anh Thành chỉ đến thầy lang đắp lá. Một ngày sau, cả cánh tay của anh bỗng sưng phồng kèm theo cảm giác đau buốt, khó thở, mí mắt hai bên sụp xuống.
Hốt hoảng, người nhà đã nhanh chóng đưa anh Thành đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sỹ đặt nội phế quản cho anh Thành thở máy, đồng thời sử dụng huyết thanh kháng độc rắn. Tuy nhiên, vết rắn cắn đã loét rộng và bị hoại tử nên sau khi khống chế được nọc độc, anh Thành đã nhanh chóng được chuyển sang Viện Bỏng quốc gia để vá da.
Bị rắn độc cắn, ong đốt cần đến viện ngay
Không chỉ dồn dập bệnh nhân bị rắn độc cắn nhập viện vào dịp hè mà Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị ong đốt… Ngày 29/6, chị Ngọc Anh, 32 tuổi, nhân viên một công ty tư nhân tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng trên mình bị 8 vết ong đốt.
Chẳng là, cơ quan làm việc của chị Ngọc Anh vốn có một tổ ong làm tổ từ khá lâu. Sáng 29/6, một nhân viên vô tình ném vỏ quả vải lên tổ ong khiến cho nó bị vỡ, cả đàn ong chừng hai chục con ùa bay ra. Do đang mang thai 6 tháng nên chị Ngọc Anh không thể chạy nhanh được và kết quả chị bị 8 vết ong đốt khiến khắp mình đau nhức, vết đốt sưng phồng và chảy nước mủ. Tại Hà Nội đã từng có bệnh nhân tử vong do ong đốt, nên việc sơ cứu và đến bệnh viện kịp thời là biện pháp hữu hiệu nhất.
Hiện nay, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã có huyết thanh kháng độc rắn, đây là phương pháp điều trị rất có hiệu quả nếu bệnh nhân đến viện kịp thời. Người dân không nên coi thường khi bị ong đốt, rắn cắn mà phải đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, nếu nặng thì đến ngay bệnh viện để tránh nguy hiểm tới tính mạng.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Chống độc thì khi bị rắn độc cắn, bệnh nhân không được tự ý đi lại mà bất động chân, tay chỗ bị cắn bằng nẹp có sẵn và để thấp hoặc ngang bằng với vị trí của tim. Nếu rắn cắn có thể gây liệt như rắn hổ mang, rắn cạp nia… thì có thể dùng phương pháp băng ép bất động. Duy trì băng ép bất động và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn độc đặc hiệu (bác sỹ quyết định thời điểm tháo băng ép). Khẩn cấp đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nếu vết cắn ở vùng thân mình hoặc đầu, mặt, cổ. Không băng ép khi bị rắn lục cắn bởi có thể làm tổn thương nặng thêm vùng bị rắn cắn. Đặc biệt, không mất thời gian vào việc tìm thầy lang, lá thuốc.
Theo Hương- Hằng/CAND Online