Cà phê đã từng bị đổ lỗi cho nhiều căn bệnh, nhưng đã có các nghiên cứu chứng minh rằng loại đồ uống này thực sự có thể giúp ngăn ngừa bệnh ung thư gan.
The Straits Times dẫn một nghiên cứu thực hiện tại Singapore cho thấy, càng uống nhiều cà phê thì nguy cơ ung thư gan càng giảm. Nếu một người mỗi ngày uống ba ly càphê trở lên thì nguy cơ mắc ung thư gan thấp hơn 44% so với người không uống cà phê.
Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng, những phát hiện này chỉ áp dụng cho người Singapore gốc Hoa, vì chúng xuất phát từ nghiên cứu rộng rãi lần đầu tiên về mối liên hệ giữa càphê và ung thư gan trong bộ phận người Hoa tại quốc đảo này, những người vốn dễ mắc phải bệnh này nhất.
Với sự tham gia của hơn 63.000 người Hoa ở Singapore, có độ tuổi từ 45 đến 74, nghiên cứu bắt đầu được thực hiện từ năm 1993 bởi Bộ môn Dịch tể và Y tế công tại trường Y khoa Yong Loo Lin thuộc Đại học quốc gia Singapore phối hợp với các nhà nghiên cứu của Mỹ.
Nghiên cứu này bổ sung thêm những chứng cứ để gạt bỏ ý niệm tồn tại lâu nay rằng càphê có hại cho sức khỏe.
Đầu năm nay, một nhóm các nhà nghiên cứu khác cũng có báo cáo sau khi nghiên cứu 3.000 người uống cà phê ở Singapore, loại nước uống sẫm màu này đã không gây bất lợi gì.
Qua nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện rằng, tính chất bảo vệ gan của cà phê có từ hai trong số các loại dầu được tìm thấy trong hạt cà phê là cafestol và kahweol. Chúng có mặt trong cà phê cho dù đó là ly cà phê pha phin, cà phê đánh bọt hay một gói cà phê hòa tan ba trong một.
Vấn đề lượng dầu này nhiều hay ít phụ thuộc vào cách pha chế cà phê, vì một số phương pháp pha cà phê có thể loại bỏ cafestol và kahweol. Chẳng hạn, pha từ máy pha cà phê sử dụng các bộ lọc giấy để lọc cặn thì ly cà phê chỉ chứa một lượng không đáng kể hai loại dầu này, có thể chúng bị hấp thụ bởi giấy.
Cà phê rang đen thường được pha chế đơn giản bằng cách đun sôi cà phê bột trong một túi vải mỏng và cách này dường như bảo tồn các loại dầu, tương tự như vậy đối với cách pha cà phê không lọc khác như cà phê Thổ Nhĩ Kỳ.
Phó giáo sư Koh Woon Puay, người đã tham gia vào nghiên cứu này cho biết, cà phê ghi điểm cao hơn so với trà trong phòng chống ung thư gan.
Nhóm của bà, cũng đã nghiên cứu tác động của uống trà xanh, đã thấy rằng trà không có tác dụng phòng chống lại căn bệnh này.
Theo dữ liệu từ Cơ quan đăng ký ung thư của Singapore, ung thư gan là căn bệnh phổ biến thứ tư trong nam giới nước này. Từ năm 2004-2008, có 1.758 trường hợp đã được chẩn đoán.
Bệnh này cũng là loại ung thư gây chết người thứ ba ở đây, chiếm 16,2% trong tất cả số nạn nhân chết vì ung thư.
Số liệu vào ngày 1/7 từ Cơ quan đăng ký ung thư gan Singapore, theo dõi khoảng 2.300 bệnh nhân, cứ 8 trong 10 người mắc bệnh là nam giới, chủ yếu là người Hoa. Một phần ba số bệnh nhân có tuổi từ 61.
Bác sĩ Desmond Wai ở Trung tâm bệnh gan và cấy ghép gan châu Á cho biết, nghiên cứu này sẽ trấn an các bệnh nhân có suy nghĩ sẽ từ bỏ thói quen uống cà phê vì sợ hại gan.
Bác sĩ chuyên khoa gan mật và hệ tiêu hóa này cho biết, nhiều người không thể tin thói quen rẻ tiền, thuận tiện này có thể bảo vệ họ khỏi ung thư gan.
Ông cho rằng, những phát hiện này có khả năng thay đổi cách tiếp cận mà một số bác sĩ đã làm. Bởi vì nhiều người có xu hướng tập trung vào việc kiểm soát các loại virus gây ra ung thư gan, như virus viêm gan B, mà không nhận ra rằng phương pháp khác có thể giúp ngăn ngừa ung thư gan, chẳng hạn như uống cà phê.
Tuy nhiên, bác sĩ Wai cho rằng sự điều độ là rất quan trọng. Tiêu thụ lượng caffein quá mức có thể kích hoạt nhịp đập của tim, mất ngủ, đau đầu hoặc thậm chí lên cơn hoảng loạn. Ông đề nghị uống không quá ba ly một ngày.
Các nhà nghiên cứu cũng đã xem xét việc uống cà phê có thể phòng chống ung thư ruột - loại ung thư hàng đầu ở Singapore không? Kết quả được đưa ra năm ngoái cho thấy, cà phê có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết, nhưng chỉ trong số người hút thuốc.
Năm 2008, người ta cũng phát hiện rằng uống bốn ly cà phê trở lên mỗi ngày có thể giảm đến 30% nguy cơ bị bệnh tiểu đường./.
Theo Xuân Triển/Kuala Lumpur/Vietnam+