Cập nhật: 01/08/2011 16:33:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Viêm mủ màng phổi là tình trạng viêm tràn mủ trong khoang màng phổi. Bệnh diễn tiến cấp tính, bán cấp và mạn tính, gây tổn thương màng phổi toàn thể hay khu trú. Mầm bệnh có thể là vi khuẩn thường, trực khuẩn lao hoặc ký sinh trùng như amip...

Vì sao bị viêm mủ màng phổi?

 

Có nhiều bệnh dẫn đến viêm mủ màng phổi như: viêm mủ tiên phát ở khoang màng phổi; thứ phát sau một số bệnh nơi khác như: viêm phổi, áp-xe phổi, giãn phế quản, ung thư phổi bội nhiễm, dị vật phổi, nấm phổi, bóng khí phổi bội nhiễm, tắc động mạch phổi bội nhiễm... quá trình viêm nhiễm lan vào màng phổi qua đường bạch huyết, đường máu hoặc vỡ các tổn thương trực tiếp vào màng phổi. Các bệnh ở trung thất như: rò khí - phế quản, rò thực quản, áp-xe hạch trung thất... Bệnh ở thành ngực như: viêm xương sườn, viêm các đốt sống lưng, áp-xe vú, vết thương lồng ngực... Bệnh dưới cơ hoành như: áp-xe gan, áp-xe quanh thận, viêm phúc mạc... Nhiễm khuẩn huyết, sau khi can thiệp điều trị vào lồng ngực hoặc sau vết thương và chấn thương ngực gây tràn dịch hoặc máu khoang màng phổi. Vi khuẩn gây viêm mủ màng phổi thường gặp là: tụ cầu vàng, liên cầu, phế cầu, trực khuẩn lao…

 

Dấu hiệu phát hiện bệnh

 

Tùy theo bệnh cấp tính, bán cấp hay mạn tính mà có các dấu hiệu nhận biết:

 

Viêm mủ màng phổi cấp tính: Khởi đầu đột ngột, rầm rộ với triệu chứng đau ngực, khó thở, ho khan. Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc với sốt cao, đau đầu, mất ngủ, kém ăn, sút cân…Khám thấy hội chứng 3 giảm do tràn dịch khoang màng phổi. Xét nghiệm thấy bạch cầu trong máu tăng cao. Chụp Xquang có hình ảnh tràn dịch khoang màng phổi. Nhưng cũng có khi bệnh khởi đầu bằng những triệu chứng giống như bị cảm cúm thông thường nên dễ bị bỏ qua không chẩn đoán ra bệnh.

 

Viêm mủ màng phổi bán cấp và mạn tính: Xảy ra sau khi bệnh khởi phát trên 2 tháng, không được điều trị tích cực, bệnh nhân thấy: đau ngực, khó thở, ho có đờm hoặc có mủ hôi nếu mủ màng phổi rò vào phế quản. Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tuy không rầm rộ như ở giai đoạn cấp tính nhưng toàn trạng bệnh nhân thường suy kiệt nặng. Khám thấy hội chứng 3 giảm chủ yếu do dày dính co kéo khoang màng phổi, các xương sườn nằm xuôi và kém di động, các khoang liên sườn hẹp lại tạo nên một bên ngực cứng đờ và bị kéo thấp xuống hơn so với bên lành. Xét nghiệm thấy số lượng bạch cầu trong máu tăng vừa, hồng cầu và huyết sắc tố giảm... Chụp Xquang thấy có khoang cặn ở vùng dưới và sau của khoang màng phổi.

 

Biến chứng của bệnh

 

Viêm mủ màng phổi nếu được điều trị đúng và tích cực ngay từ giai đoạn cấp tính thì bệnh có thể khỏi sau 2- 4 tuần và ít để lại di chứng. Trái lại, điều trị không tốt hoặc không được điều trị thì bệnh trở thành mạn tính và dẫn tới các biến chứng nặng. Tại chỗ: vỡ ra thành ngực, mủ từ khoang màng phổi rò qua khe liên sườn vào dưới da rồi sau đó vỡ qua da ra ngoài, tạo thành lỗ rò mủ kéo dài ở thành ngực. Rò phế quản: mủ từ khoang màng phổi vỡ vào nhu mô phổi và rò vào phế quản, thường xuất hiện đột ngột, bệnh nhân đột nhiên thấy đau nhói, khạc ra ít máu, khó thở rồi ộc ra một lượng mủ lớn. Trường hợp rò phế quản lớn với lượng mủ nhiều thì bệnh nhân có thể bị ngạt thở cấp tính, thậm chí tử vong. Nếu rò phế quản nhỏ thì bệnh nhân ho và khạc mủ thối kéo dài. Có thể gặp trường hợp vỡ ổ mủ màng phổi vào thực quản hoặc qua cơ hoành vào ổ bụng. Biến chứng toàn thân, có thể gặp các biến chứng: thoái hoá dạng tinh bột ở gan, thận... Nhiễm khuẩn huyết, áp-xe não, thận, suy tim.

 

Phương pháp chữa trị

 

Cần điều trị sớm, tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa việc dùng kháng sinh mạnh và theo kháng sinh đồ với nâng cao thể trạng bằng việc ăn uống tốt, ngoài ra, hướng dẫn bệnh nhân tập thở tích cực trong quá trình điều trị.

 

Phẫu thuật trong trường hợp viêm mạn tính, mủ màng phổi tạo thành áp-xe có thành dày và không tự xẹp lại được.

 

 

Theo ThS. Phạm Thanh Tùng/SK & ĐS Online

Tệp đính kèm