Chất xơ có trong thành phần các hạt ngũ cốc như gạo, ngô, các loại đậu, rau, trái cây… rất có ích cho sức khoẻ con người. Có 2 loại chất xơ là loại tan trong nước và loại không tan trong nước.
Có người nói rằng: “Chất xơ không phải là thực phẩm nhưng cũng là thực phẩm” - câu nói đó được hiểu như sau: chất xơ không phải là thực phẩm vì bộ máy tiêu hoá của con người không tiêu được chất xơ, chỉ ăn vào rồi lại cho ra. Nó là thực phẩm vì nó lẫn trong các loại thực phẩm và khi ăn chất xơ, nó giúp cơ thể tránh được bệnh táo bón, làm hạ nồng độ cholesterol trong máu và phòng tránh được bệnh ung thư.
Các loại bánh có nhiều chất xơ, có tác dụng hạ nồng độ cholesterol trong máu làm bằng các nguyên liệu là lúa mạch lẫn cả cám, đậu khô và rau họ đậu, cám yến mạch… Những loại bánh có chứa loại chất xơ không tan, có tác dụng chống bệnh táo bón và ung thư, làm bằng các nguyên liệu là bột ngô (bắp), các loại đậu, cám lúa mì... Nhiều loại trái cây, rau, đậu và các loại hạt có chứa cả các chất xơ tan và không tan trong nước.
Vì những lợi ích mà chất xơ mang lại nên Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) khuyên mỗi người nên ăn từ 25-30g chất xơ mỗi ngày. Thay đổi thức ăn là cách làm cho bữa ăn ngon miệng và đủ chất bổ cho cơ thể, đồng thời cung cấp cho cơ thể cả hai loại chất xơ rất có lợi cho sức khỏe. Cho nên các bà nội trợ nhớ mua sắm nhiều loại thực phẩm để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và chất xơ cần cho sức khỏe người thân.
Theo ThS. Nguyễn Xuân Lãm / SK&ĐS Online