Nam diễn viên sinh năm 1973 thay đồng nghiệp quá cố đảm nhận vai anh Dỏ trong bộ phim chính luận của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.
Trở thành hiện tượng khi lên sóng truyền hình năm 2008, Ma làng gây ấn tượng mạnh cho công chúng khi khắc họa những mâu thuẫn ở nông thôn và cuộc sống người nông dân thời bao cấp. Làm nên thành công của phim là diễn xuất nhập thân tới ám ảnh của các diễn viên như Bùi Bài Bình (vai Tòng), Hồng Sơn (vai Dỏ), Kim Oanh (vai Ló)…
Sau khi phim kết thúc, chính Hồng Sơn đã gợi ý cho Nguyễn Hữu Phần làm tiếp câu chuyện Ma làng 2, khai thác tiếp tuyến nhân vật ở thời kỳ đổi mới sau những năm 1990. Cũng chính anh giục giã Nguyễn Hữu Phần nhanh chóng hoàn thành kịch bản để cùng công ty anh sản xuất. Lúc ấy, Hồng Sơn vừa khỏi sau tai nạn, được một công ty mời làm việc với mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng nhưng không phải làm gì. Ngồi chơi nhận tiền làm Hồng Sơn ngại - tính anh không thích nhận không từ người khác. Thế nên anh muốn đưa Ma làng 2 về cho công ty này như một cách đáp đền. Bản thân Nguyễn Hữu Phần khi ấy cũng đã nghỉ hưu, không còn công tác ở VFC nên cũng cần nơi hợp tác.
Khi kịch bản hoàn thành vào năm 2011, Hồng Sơn đột ngột qua đời. Trong đám tang nam diễn viên 54 tuổi, Nguyễn Hữu Phần chua xót viết trong sổ tang: “Sơn ơi, sao bỏ lại anh em, vợ con mà ra đi như thế hả Sơn. Đời Sơn trải qua bao thăng trầm, khốn khó, giờ đến lúc bình yên, nào ngờ... Anh em nhớ Sơn lắm, yêu Sơn lắm. Mà rồi đây trong phim Ma làng phần 2, không có em, anh phải sao đây. Thôi coi như số mệnh cả. Tiếc thương... đau đớn... mà bất lực".
Mất Hồng Sơn, Nguyễn Hữu Phần loay hoay đi tìm “anh Dỏ” mới. Ông nhắm diễn viên Quốc Khánh - người có chất khổ và cách diễn khá giống Hồng Sơn. Tuy nhiên “Ngọc Hoàng” đã lâu không đóng phim nên từ chối. Cuối cùng vị đạo diễn sinh năm 1947 thuyết phục được diễn viên Trung Hiếu nhận vai. So với Hồng Sơn, Trung Hiếu trẻ, mặt lại thường tươi hơn hớn. “Hóa trang giúp khắc phục yếu tố tuổi tác. Hơn nữa, sau 10 năm, cuộc đời anh Dỏ đã khác. Anh sống vui, không bê tha như trước. Thế nên cái mặt Trung Hiếu cũng không sợ không hợp vai. Bản thân Trung Hiếu là diễn viên giỏi, có thể đảm nhận nhiều dạng vai khác nhau. Tôi khuyên Trung Hiếu không nên bắt chước Hồng Sơn, cứ diễn theo cách của mình” - Nguyễn Hữu Phần chia sẻ. Khi Trung Hiếu kết thúc những cảnh quay, vị đạo diễn cảm thấy rất hài lòng.
Trừ Hồng Sơn và Bùi Bài Bình (ông Tòng đã chết ở phần 1), Ma làng 2 có sự góp mặt khá đầy đủ của dàn diễn viên cũ. Theo Nguyễn Hữu Phần, đây là điều không đơn giản vì các nghệ sĩ đều bận công việc riêng. Phim cũng có sự tham gia của không ít gương mặt mới, trong đó có Trần Hạnh. Lão nghệ sĩ sinh năm 1929 đảm nhận vai một lão nông. Theo Nguyễn Hữu Phần, đây là vai mà ai cũng có thể làm nhưng ông quyết mời Trần Hạnh vì cái tình nghệ sĩ. “Trần Hạnh gần 90 tuổi, đã chậm và ít vai diễn. Anh em đạo diễn chúng tôi bảo nhau mời ông làm phim phần để ông vui, phần để ông có ít tiền trang trải cuộc sống. Ngược lại, chúng tôi cũng có cái lợi về hình ảnh bởi khán giả và giới truyền thông đều rất có thiện cảm với Trần Hạnh. Bản thân Trần Hạnh dù cao tuổi vẫn rất nhiệt tình, hàng ngày đi xe máy từ 6h sáng theo đoàn” - Nguyễn Hữu Phần thật thà cho biết.
Giống như phần 1, Ma làng 2 vẫn được quay ở Lương Sơn - Hòa Bình. Người dân ở đây đã được Nguyễn Hữu Phần huấn luyện vào vai quần chúng nên nhập cuộc rất nhanh. Phim đang trong những ngày quay cuối. Tổng độ dài dự kiến 30 tập.
Theo vnexpress.net