Vừa qua, tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (Thành phố Hồ Chí Minh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại thành phố, Hiệp hội Du lịch thành phố và Công ty Dịch vụ du lịch Phú Thọ tổ chức khai mạc Liên hoan Ẩm thực Đất phương Nam lần 3 năm 2013,
Diễn ra từ 16/5 đến 19/5 - đây là sự kiện văn hóa, du lịch, nhằm khai thác và giới thiệu các giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam và vùng đất phương Nam đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu ẩm thực và đặc sản nổi tiếng của các vùng miền đến đông đảo công chúng.
Tham dự Liên hoan có gần 40 doanh nghiệp với hơn 80 gian hàng thuộc các địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh...
Riêng khu vực các gian hàng Thành phố Hồ Chí Minh có các thương hiệu nổi tiếng tham gia như nhà hàng Hoài Phố, nhà hàng Rạng Đông, bún bò O Lộc, bánh cuốn Hạt gạo Vàng, bánh xèo Mười Xiềm, bánh xèo Ăn là ghiền, bò tơ Xuân Đào…
Tại liên hoan, các doanh nghiệp đã biểu diễn chế biến và phục vụ ẩm thực thể hiện bản sắc văn hóa của từng địa phương, trình bày món ăn đặc sản tại các gian hàng, được thiết kế theo từng chuyên đề như ẩm thực biển miền Trung, ẩm thực Tây Nguyên, ẩm thực Nam bộ, ẩm thực Sài Gòn…
Tại Làng bánh phương Nam đã tập hợp các làng bánh truyền thống như bánh tét Trà Cuống, bánh tét nếp lá cẩm, bánh chuối nếp nướng, bánh khoai mì hấp nướng dừa, bánh ú, bánh da lợn.
Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn cũng thực hiện các tác phẩm nghệ thuật cắt tỉa, điêu khắc và gắn kết rau củ quả thành mô hình lớn có giá trị sáng tạo cao.
Một liên hoan “Món ngon phương Nam” được tổ chức để các đơn vị thể hiện thế mạnh sản phẩm ẩm thực của từng địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao cũng được tổ chức như: các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống của vùng, miền, đờn ca tài tử Nam bộ…
Đặc biệt, Liên hoan năm nay còn có hoạt động giao thương “Trên bến dưới thuyền,” với hình ảnh những chiếc xuồng ba lá gắn với cuộc sống thương hồ, mua bán tấp nập trên những ghe xuồng của người dân miệt vườn sông nước Đồng bằng sông Cửu Long./.
Theo vietnamplus.vn