Cập nhật: 19/07/2012 08:09:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đã và đang tập trung quy hoạch để phát triển các khu, cụm công nghiệp và đô thị, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, phấn đấu là tỉnh công nghiệp vào năm 2020. 

Với điều kiện kinh tế địa phương phát triển, là cơ hội để kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển biến theo, đặc biệt là đối với phụ nữ vùng nông thôn có điều kiện thuận lợi để làm kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Nhờ đó, những năm qua, nhiều doanh nghiệp vừa và cực nhỏ do phụ nữ làm chủ ra đời góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn và giải quyết việc làm cho phần lớn số lao động là nữ trong nông nghiệp trong tỉnh. 

 

Để giúp cho việc quản lý nguồn vốn chặt chẽ, có hiệu quả trong các doanh nghiệp vừa và cực nhỏ do phụ nữ làm chủ, các cấp Hội phụ nữ phối hợp với chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn thường xuyên mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý và sử dụng vốn vay cho cán bộ, hội viên được vay vốn để sản xuất kinh doanh. Ngoài hỗ trợ vốn vay, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...cho hàng nghìn lượt phụ nữ vay vốn. Nhờ đó, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư làm kinh tế xuất phát từ hộ gia đình có hiệu quả và dần mở rộng hoạt động sản xuất vươn lên trở thành chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong 10 năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 38 lớp tập huấn cho 1.150 cán bộ, hội viên phụ nữ là chủ các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh ở tất cả các địa phương trong tỉnh nhằm trang bị kiến thức về quản lý doanh nghiệp, hạch toán kinh doanh, tư vấn nâng cao năng lực, nghệ thuật bán hàng...Đến tháng 6/2010, toàn tỉnh đã thành lập được 52 câu lạc bộ doanh nghiệp nữ, trong đó có 1 câu lạc bộ doanh nhân nữ cấp huyện, thị xã; 1 câu lạc bộ doanh nhân nữ cấp tỉnh với hàng chục thành viên nữ là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia. 

 

Ông Nguyễn Lương Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Đối với Bắc Ninh, mặc dù định hướng phát triển thành tỉnh công nghiệp song những năm qua, tỉnh luôn chú trọng vấn đề “Tam nông” với việc ban hành và thực thi hiệu quả chủ trương, cơ chế chính sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nhờ đó, hàng nghìn lượt hộ nông dân ở khu vực nông thôn đã thực sự trở thành chủ thể sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự ophát triển vượt bậc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, đưa cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới. Xuất phát từ đồng vốn vay ngân hàng và được trang bị kiến thức quản lý kinh tế, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi như chăn nuôi theo mô hình trang trại, cấy lúa chất lượng cao, trồng dưa xuất khẩu, mở mang ngành nghề như may mặc xuất khẩu..nhiều phụ nữ đã vươn lên làm giàu chính đáng, thu nhập đạt từ 20 triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng trăm lao động khác có thu nhập ổn định ở xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành như chị Thuận-Chi hội Bùi Xá; chị Thìn-Chi hội Chè... 

 

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân cho biết: Bằng sự nỗ lực của các cấp hội phụ nữ và chính quyền địa phương, từ 2001 đến nay các cơ sở Hội đã thành lập được 745 tổ vay vốn, giải quyết cho 5.948 lượt thành viên phụ nữ với tổng số tiền trên 46 tỷ đồng, đáp ứng 93% số thành viên hội phụ nữ nông thôn có nhu cầu vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Qua đó, khẳng định vai trò của phụ nữ trong thời đại mới, đó là quản lý kinh doanh, đầu tư sản xuất từ các mô hình kinh tế nông nghiệp nhỏ, các nghề thủ công truyền thống để mở rộng kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương. 

 

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có gần 2.500 trang trại, hàng nghìn doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ sản xuất kinh doanh hiệu quả trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện Công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Bắc Ninh./.

 

 

 

Theo TTXVN

Tệp đính kèm