Tuy nhiên khoản thu này vẫn chưa đủ bù vào khoản chênh lệch tăng giá than và khí vừa qua.
EVN vẫn phải bù lỗ dù tăng giá điện.
Việc tăng giá điện lần này được đánh giá là quá bất ngờ đối với người tiêu dùng, khi trước đó, người phát ngôn của Chính phủ cho rằng, việc tăng giá điện cần phải có lộ trình và phải có ý kiến phản hồi từ phía người dân.
Vấn đề này được nhiều dư luận quan tâm tìm hiểu. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương tháng 7, đại diện Bộ Công Thương đã không có bất cứ phản hồi nào đối với những câu hỏi của báo giới nêu ra.
Người đại diện bộ này cho rằng, việc lý giải việc tăng giá điện đã được giải đáp tại nhiều cuộc trao đổi, gặp gỡ trước đó với các cơ quan, đơn vị có liên quan và đặc biệt trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” với chính người đứng đầu Bộ Công Thương – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Tuy nhiên, trên một diễn đàn kinh tế mới đây, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã cho biết, sau 2 lần tăng giá than, lần 1 vào ngày 20/4 giá than bán cho điện đã tăng từ 37% - 41 % tùy từng chủng loại. Lần tăng thứ hai từ ngày 1/8 (trùng thời điểm tăng giá điện), giá than bán cho điện được điều chỉnh tăng từ 15% - 17% tùy từng chủng loại đã khiến giá thành sản xuất điện năm 2013 của EVN dự kiến tăng khoảng 5.000 tỷ đồng từ việc tăng giá than.
Cùng với đó, việc điều chỉnh tăng giá khí của PVN dự kiến cũng làm tăng giá thành sản xuất điện năm 2013 của EVN lên khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, với việc điều chỉnh tăng thêm 5% giá điện lần này, EVN dự kiến thu được thêm khoảng 3.600 tỷ đồng trong năm 2013, vẫn chưa đủ bù vào khoảng chênh lệch tăng giá than và khí vừa qua.
“Nếu tính toán theo EVN, để bù lỗ cho giá than và giá khí tăng, phải điều chỉnh tăng giá điện ít nhất là 10%”, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết: “Trước khó khăn của nền kinh tế và thị trường, cùng với việc chia sẻ với người tiêu dùng, EVN đã đề xuất chỉ tăng 5%. Phần còn lại EVN sẽ bù bằng cách tăng cường khai thác từ thủy điện và các nhà máy điện đã hết khấu hao làm giảm giá thành sản xuất điện của EVN”.
EVN cũng cho biết, riêng khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá và bù lỗ do mua điện giá cao chạy dầu DO và FO những tháng mùa khô năm 2010 và 2011, EVN khẳng định sẽ lấy từ các khoản lãi của EVN để bù vào, không lấy việc tăng giá điện để bù lỗ các khoản này.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, tính chung 7 tháng đầu năm 2013, doanh thu bán điện của EVN ước đạt 96.786 tỷ đồng, tăng 22,75% so cùng kỳ. Doanh thu bán điện riêng trong tháng 7/2013 ước đạt 15.039 tỷ đồng, tăng 19,22% so cùng kỳ.
Báo cáo cũng cho biết, riêng trong tháng 7, điện sản xuất từ EVN và mua ngoài ước đạt 11.428 triệu kWh, tăng 8,85% so cùng kỳ; 7 tháng đầu năm 2013 ước đạt 73.583 triệu kWh, tăng 9,47% so cùng kỳ.
Trong đó, điện thương phẩm tháng 7/2013 ước đạt 10.245 triệu kWh, tăng 10,75% so cùng kỳ; 7 tháng 2013 ước đạt 65.931 triệu kWh, tăng 10,25% so cùng kỳ.
Về đầu tư xây dựng, tháng 7/2013, EVN ước thực hiện giá trị khối lượng vốn đầu tư 5.700 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2013 đạt được 48.452 tỷ đồng, bằng 45,46% so với kế hoạch dự kiến 2013.
Ngày 1/8 vừa qua, EVN đã tăng giá bán điện thêm 5%. Theo đó, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 71,85 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đồng/kWh)./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN