Cập nhật: 22/08/2013 09:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc người dân, chính quyền và nhà khoa học cùng bàn bạc đã sớm tìm được lối ra cho vùng cam Văn Chấn đang trên đà thoái hóa

Ở vùng cao, miền núi, trong việc cấy, trồng, người dân có thói quen tự tạo giống, mua hoặc xin những giống cây không rõ nguồn gốc thay bằng việc sử dụng những loại giống thuần có chất lượng, nhưng giá thành cao.

Thói quen này đã khiến nhiều vựa cây trồng thoái hoá rất nhanh, bị nhiều loại sâu bệnh tấn công và cho năng suất rất thấp chỉ sau một thời gian ngắn.

Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là một trong những vựa cam lớn ở miền Bắc, với diện tích khoảng 1.000 ha, cho năng suất mỗi năm lên đến hơn 10.000 tấn quả. Các giống cam chủ yếu được trồng là cam chanh, cam sành, quýt…

Hàng chục năm qua, cây cam là nguồn thu chủ yếu của hàng nghìn hộ gia đình các xã: Cát Thịnh, Minh An, Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La và thị trấn nông trường Trần Phú.

Vào vụ cam, nhà trồng ít thì thu được một hai chục triệu đồng, nhà trồng nhiều thì thu vài trăm triệu đồng. Thế nhưng thời gian gần đây, cây cam bắt đầu có biểu hiện sâu bệnh chữa không khỏi, cây thì chết, cây thì cằn cỗi cho năng suất thấp. Điều này bắt nguồn từ việc người dân địa phương thường xin nhau giống, hoặc tự chiết ghép cành tạo giống để trồng, chứ không tìm mua các giống cam thuần. Kết quả là chỉ sau dăm bẩy năm, đa số các cây cam bị hóa giống.

Nguy cơ lụi tàn vựa cam khiến người dân và chính quyền địa phương đứng ngồi không yên. Nhiều bài thuốc cứu cây cam được áp dụng nhưng không có hiệu quả.

Đến năm 2010, một cơ hội lại được mở ra, theo đó vườn cam sẽ được cứu bằng cách trồng lại bằng một giống cam mới có tên V2 của Viện di truyền nông nghiệp. Trong khi nhiều người ngần ngại, không dám bỏ vườn cam cũ, thì một trong những người có nhiều diện tích cam nhất ở thị trấn nông trường Trần Phú đã quyết định đi đầu., đó là anh Trần Hồng Ngọc. Và kết quả trồng thử nghiệm đã không phụ lòng người chủ trang trại mạnh dạn này khi cây cam V2 phát triền rất mạnh mẽ.

Anh Trần Hồng Ngọc cho biết: “Quan hai năm trồng cam V2 tôi thấy giống cam này sinh trưởng khoẻ hơn các loại cam cũ, phát triển tốt hơn, phân bón cũng không đòi hỏi nhiều như giống cam cũ”.

Giống cam V2 được Viện di truyền nông nghiệp chọn tạo từ giống cam Valencia Olinda, làm sạch bệnh qua vi ghép, sinh trưởng và cho năng suất cao hơn cả giống gốc, đã được Bộ nông nghiệp và phát triền nông thôn công nhận là giống chính thức.

Trong suốt quá trình đưa cây cam V2 vào trồng thử trên đất đồi Văn Chấn, những giáo sư, tiến sỹ, cán bộ của Viện di truyền nông nghiệp đã bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu và hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật.

Sau những thành công ban đầu, Viện di truyền nông nghiệp đã phổ biến rộng rãi giống và quy trình chăm sóc đến người trồng cam trên địa bàn, kết quả là đến nay đã có hàng trăm ha cây cam V2 đã được bà con địa phương trồng thay thế giống cũ.

Thu hoạch những vụ đầu cho thấy cây cam V2 đã cho rất nhiều quả và chất lượng thì hoàn toàn không thua kém bất kể loại cam nào, còn so với giống cam cũ thì thơm ngon gấp nhiều lần.

Giáo sư Đỗ Năng Vịnh, Phó viện trưởng viện di truyền nông nghiệp - Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Giống cam V2 là giống chín muộn vào dịp Tết và sau Tết, thời điểm hiếm hoa quả. Quả rất đẹp, nước cam vàng óng, nhiều dinh dưỡng, dễ bảo quản, bảo quản trên cây cũng tốt, bảo quản trong điều kiện sau thu hái bình thường cũng được hàng tháng. Người dân có thể yên tâm với giống này. Chúng tôi đang triển khai nhân giống, đưa nơi đây trở thành nơi nhân giống và phát hành giống”.

Trong việc giải bài toán cho vựa cam thoái hóa, chính quyền huyện Văn Chấn đã có những biện pháp kịp thời. Trong đó phải kể đến việc "bắt đúng bệnh" cho cây cam và tìm được đúng liều thuốc hữu hiệu khi đến "gõ cửa" những nhà khoa học đầu ngành.

Những kết quả ban đầu cho phép huyện có nhiều định hướng mới cho vựa cam của địa phương mình. Theo đó huyện sẽ phát triển khoảng 400 héc ta cam chất lượng cao trong thời gian tới, song song với việc phát triển các vườn ươm giống.

Ông Nguyễn Hợp Đoàn, phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Chúng tôi đang trồng thay thế các giống cam cũ bằng giống cam mới năng suất và chất lượng. Trong những năm qua, chúng tôi trồng các giống cam của Viện di truyền nông nghiệp tiềm năng về năng suất và chất lượng rất cao. Trong tương lai có định hướng phát triển vùng này thành vùng trung tâm phát triển các giống cam”.

Việc người dân, chính quyền và nhà khoa học cùng bàn bạc, hỗ trợ và hợp tác đã sớm tìm được lối ra cho vùng cam Văn Chấn đang trên đà thoái hóa. Theo đó, hàng nghìn hộ dân trong khi vẫn duy trì thu hoạch ở các diện tích cam hiện có, sẽ chuyển dần diện tích sang những loại cam mới. Ngoài giống cam V2, huyện sẽ đưa vào một số giống cam đặc sản khác. Theo đó vùng cam Văn Chấn dần chuyển từ vùng cam dẫn đầu về số lượng sang vùng cam chất lượng, đặc sản ở miền Bắc./.

Theo Đinh Tuấn/VOV.VN

Tệp đính kèm