Mới đây, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
(Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Luật Bảo hiểm y tế được ban hành đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế, là cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua bảo hiểm y tế - một trong những chính sách an sinh xã hội nhân đạo ưu việt của Đảng và Nhà nước Việt Nam và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý Nhà nước về bảo hiểm y tế ngày càng được tăng cường, công tác tuyên truyền về bảo hiểm y tế đã đi vào chiều sâu, đổi mới về hình thức và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Quyền lợi của người tham gia được mở rộng và bảo đảm, công tác tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục. Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, do những bất cập nảy sinh trong một số quy định về đối tượng, hình thức tham gia; phạm vi quyền lợi và mức hưởng; việc tạm ứng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế... khiến cho việc triển khai thực hiện Luật thời gian qua gặp nhiều vướng mắc.
Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế là yêu cầu cấp thiết nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, khắc phục các tồn tại, bất hợp lý sau 3 năm thực hiện Luật để từng bước thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Việc sửa đổi bổ sung Luật cũng nhằm đổi mới chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về chính sách bảo hiểm y tế đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam; phù hợp với các quy định tại các luật có liên quan như Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật người cao tuổi; Luật người khuyết tật; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng... để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm lồng ghép giới trong dự án Luật.
Các ý kiến đồng tình với việc sắp xếp lại các nhóm đối tượng, giảm từ 25 nhóm trước đây xuống còn 5 nhóm song cần nghiên cứu đối tượng trong mỗi nhóm sao cho phù hợp. Nhiều đại biểu cho rằng việc quy định phương thức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình như dự thảo Luật sẽ dễ quản lý, tránh trùng lắp hay bỏ sót đối tượng.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi băn khoăn có hay không việc bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế. Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật quy định rõ nội dung bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế hay chỉ nên đưa từng nhóm bắt buộc tham gia giống như bảo hiểm xã hội để khả thi hơn.
Về giá dịch vụ y tế, đa số ý kiến đồng tình với quan điểm nên thực hiện thống nhất trong cả nước, theo từng tuyến để dễ quản lý và đảm bảo tính công bằng hơn. Về vấn đề thanh toán khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, phần lớn ủng hộ phương án dự thảo Luật đưa ra, khám bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi quyền lợi và theo mức hưởng do Chính phủ quy định khi điều trị nội trú và một số bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khi điều trị ngoại trú.
Dự kiến, theo chương trình, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay./.
Chu Thanh Vân (TTXVN)
http://www.vietnamplus.vn/Home/Khac-phuc-bat-cap-sau-3-nam-thuc-hien-Luat-BHYT/20139/214376.vnplus