Những "giọng đọc vàng" Kim Cúc, Việt Hùng… đã góp phần đưa Tiếng nói Việt Nam vươn xa tới mọi miền Tổ quốc.
Nghệ sĩ ưu tú Kim Cúc
Trải qua 68 năm, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những thế hệ giọng đọc vàng, đi cùng năm tháng, để lại dấu ấn không phai trong trái tim triệu triệu bạn nghe đài. Chính họ đã làm cho Tiếng nói Việt Nam trở nên gần gũi, thân quen với mỗi người và cũng chính họ đã đưa Tiếng nói Việt Nam vươn xa đến mọi miền Tổ quốc.
Suốt những năm tháng chiến tranh và cho đến tận bây giờ, ngày nào chiếc radio nhỏ cũng luôn ở bên ông Nguyễn Ngọc Lân, ở xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Ông coi chiếc đài như người bạn tri kỷ và luôn chăm chú lắng nghe các chương trình của Đài qua giọng đọc của các phát thanh viên. Ông Lân cho biết, những phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam như: Tuyết Mai, Kiên Cường, Kim Cúc, Việt Hùng… ai cũng có giọng đọc hay, trôi chảy. Khi nghe những giọng đọc đó ông cảm thấy ấm cúng, gần gũi lạ thường tưởng chừng như đã quen từ lâu.
Ông Nguyễn Ngọc Lân chia sẻ: “Tuyết Mai, Kiên Cường có giọng đọc chắc, khỏe, rồi đến Tiếng Thơ cũng có giọng đọc rất truyền cảm. Khi có chiến tranh chúng tôi toàn ngồi trong hầm nghe đài. Khi nghe bài hát đến Quảng Bình, Nghệ An là biết trong đó đang đánh lớn, thì thấy tinh thần nâng lên ghê gớm và sức truyền cảm, lúc đó chúng tôi cảm thấy giọng đọc của phát thanh viên rất thiêng liêng.
Bây giờ, trong căn nhà của Nghệ sĩ ưu tú Kim Cúc ở khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam trên phố Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn luôn đầy ắp những kỉ vật của một thời gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều nhất là những bức thư của thính giả khắp mọi miền Tổ quốc gửi đến, bày tỏ tình cảm yêu mến giọng đọc của nghệ sĩ Kim Cúc. Có nhiều bức thư được gửi cách đây mấy chục năm đã hoen màu thời gian song với nghệ sĩ, đó luôn là món quà vô giá, là động lực thôi thúc bà gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp phát thanh.
Nghệ sĩ Kim Cúc kể, nghề phát thanh viên trong những năm đất nước còn chiến tranh vất vả vô cùng. Hàng ngày, bà phải thức dậy từ 4 giờ sáng, đạp xe đến phòng thu và làm việc đến đêm khuya. Có những hôm đợi tin từ chiến trường, tin về Hội nghị Paris cho đến 2 giờ sáng hôm sau mới về. Vất vả là vậy, nhưng trong cuộc đời làm phát thanh viên, bà không bao giờ quên giây phút lịch sử khi vinh dự được đọc bản tin chiến thắng 30/4/1975.
Bà tâm sự: “Ai đọc tin chiến thắng lúc bấy giờ thì thích lắm, tự hào lắm, nghĩ mình đã truyền được tin và đọc như thế nào để lột tả được hào hùng, và chiến công mà mọi người đã lập được. Thành quả những trận chiến như thế được lột tả trên từng âm tiết, ngữ điệu của phát thanh viên để chuyển đến đồng bào cả nước sự tin tưởng. Điều đó đòi hỏi mỗi người phải tìm ra cách đọc riêng, để truyền tải sự hào hùng, phấn khởi tới thính giả”.
Còn với Nghệ sĩ ưu tú Việt Hùng, ngày còn đi học, vì say mê những giọng đọc tài hoa như Việt Khoa, Lê Việt, Minh Đạo, Tuyết Mai… mà chàng thanh niên Việt Hùng khi đó đang theo học chuyên ngành giao thông vận tải đã quyết tâm đến thử giọng tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
NSƯT Việt Hùng cùng vợ
Năm 1973 ông chính thức trở thành phát thanh viên của Đài. Không thể kể hết những khó khăn ngày đầu bước vào nghề. Bởi ông cho rằng thành công của một tác phẩm phát thanh phụ thuộc rất lớn vào người đọc. Để giọng đọc thực sự truyền cảm đến người nghe, với ông là cả một quá trình rèn luyện gian khổ, tự đào tạo chính mình. Một dòng tin, một bài viết, một câu chuyện khi vang lên trên sóng, nó thoảng qua hay ở lại lâu bền trong lòng người nghe hoàn toàn do phát thanh viên thể hiện nó như thế nào.
Nghệ sĩ Việt Hùng tâm niệm: “Bản thân có lòng tự trọng quyết tâm vào làm nghề. Bởi vì nghề không đơn thuần là giọng đọc trời cho mình, giọng đọc có đẹp, hay, chỉnh chu nhưng phải tích lũy nghề nghiệp vì không chỉ đọc như đọc khoán mà phải biết thể hiện nội dung để người nghe lĩnh hội đầy đủ nhất. Nhất là thời kỳ chiến tranh phải thể hiện để tiền tuyến, địa phương có khí thế tiến lên”.
Nhiều năm gắn bó với nghề, dù đã nghỉ hưu song những giọng đọc vàng một thời của Tiếng nói Việt Nam như Kim Cúc, Hà Phương, Việt Hùng… vẫn đều đặn mỗi tuần đến phòng thu để thực hiện các chương trình của Đài. Với họ, chừng nào còn sức khỏe sẽ còn tiếp tục cống hiến cho Đài Tiếng nói Việt Nam, đưa Tiếng nói Việt Nam đến gần hơn với mỗi người. Và trong lòng họ cũng trông đợi nhiều hơn ở thế hệ phát thanh viên trẻ, sẽ tạo nên dấu ấn riêng cho Tiếng nói Việt Nam hôm nay và mai sau./.
Theo Lại Hoa- Minh Châm/VOV.VN