Chiều 10/9, tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội, cùng nhiều bộ, ngành Trung ương về phát triển kinh tế-xã hội; sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước của Thủ đô, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Hà Nội đã hết sức nỗ lực, cố gắng và sáng tạo để đưa kinh tế ổn định.
Sản xuất đồ chơi xuất khẩu tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý nền kinh tế Thủ đô vẫn chưa vững chắc.
Báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên Thủ đô đã thu được kết quả đồng đều trên tất cả mọi lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 7,67%; thu ngân sách 8 tháng đạt gần 80.000 tỷ đồng, đạt gần 50% dự toán, bằng 93,7% so với cùng kỳ năm trước…
Dự báo, năm nay khó khăn nên thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội cả năm ước đạt trên 120.000 tỷ đồng, đạt gần 75% dự toán do Hội đồng Nhân dân giao.
Có 4 nguyên nhân chính dẫn tới mức thu thấp và không đạt chỉ tiêu như do kinh tế gặp nhiều khó khăn; thành phố thực hiện miễn, giảm, giãn một số khoản thu; dự toán thu do Chính phủ giao cao so với thực tế và năm ngoái thu một số khoản vượt so với thực tế nên năm nay phải bù trừ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh Hà Nội đã đạt được nhiều thành quả, nhưng nổi bật nhất trên 3 lĩnh vực gồm, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế và an sinh xã hội được giữ vững.
Ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng năm 2013 là một trong những năm khó khăn nhất trong ba năm gần đây, như lĩnh vực sản xuất, hỗ trợ vốn và tìm thị trường. Những tháng đầu năm, sức mua trong nước giảm, xuất khẩu cạnh tranh gay gắt, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm, trong lúc các doanh nghiệp sản xuất chi phí cao, lãi suất vay vẫn còn cao, dẫn tới nợ xấu tăng cao, hàng tồn kho nhiều. Trước khó khăn đấy, thành phố đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên vẫn chưa đủ mạnh nên phát triển vẫn chưa ổn định.
Chủ tịch Hà Nội đưa ra giải pháp tới đây thành phố sẽ chú trọng phát triển sản xuất, đầu tiên là quan tâm tới vấn đề thị trường, vốn vay và tiêu thụ sản phẩm. Thành phố sẽ có chính sách kích cầu, tạo động lực phát triển, giải quyết hàng tồn kho, nhất là giải pháp kích cầu bất động sản, bởi lĩnh vực này chi phối tới hàng tồn kho của nhiều ngành, nghề khác nhau.
Bên cạnh việc Hà Nội nỗ lực, ông Nguyễn Thế Thảo đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa, đặc biệt là tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản chồng chéo.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng thực tế trên lĩnh vực đầu tư, thời gian qua có rất nhiều điều bất hợp lý, chồng chéo và liên quan đến nhiều bộ, ngành, cũng gây phiền hà, giảm sức hấp dẫn cho nhà đầu tư, làm khó cho địa phương, nên Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo xây dựng Thông tư liên tịch giữa nhiều bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý Hà Nội là địa bàn trung tâm về kinh tế, nhưng các chỉ số về xuất, nhập khẩu đều tăng trưởng thấp hơn mức bình quân cả nước, đặc biệt là nhập siêu lớn. Vì vậy, Hà Nội cần có một đánh giá tổng thể để điều chỉnh chỉ số trên.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã biểu dương Hà Nội đã có nhiều cố gắng vượt qua thử thách, khó khăn và đã đạt được kết quả khá toàn diện.
Để đạt được thành tích trên, nhờ Hà Nội đã có những mục tiêu, giải pháp hết sức linh hoạt trong quá trình điều hành chỉ đạo.
Thành phố đã luôn sát sao và tích cực đôn đốc, kiểm soát trong thu, chi ngân sách. Ấn tượng và bất ngờ nhất là kết quả phong trào xây dựng nông thôn mới của Thủ đô, với nhiều mô hình mới, cách làm mới, cho hiệu quả, năng suất cao, giải quyết nhiều công ăn việc làm và làm chuyển biến bộ mặt nông thôn.
Tán thành với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt mức 8,5% năm 2013 của Hà Nội đề ra nhưng Phó Thủ tướng lưu ý thành phố cần củng cố vững chắc hơn, mặc dù kinh tế đã giữ vững ổn định, nhưng để tạo được khâu đột phá trong những năm tới thì dường như Hà Nội chưa có giải pháp và đang gặp nhiều trở ngại.
Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội tiếp tục thực hiện và cần có giải pháp mạnh hơn nữa để tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt chú trọng sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để thành phần kinh tế này ngày càng hoạt động có hiệu quả.
Đối với đề nghị của Hà Nội về giải quyết một số vấn đề khó khăn trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đang sửa đổi những nghị định, văn bản liên quan và tới đây Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận những văn bản, quy định chồng chéo, chưa hợp lý để kịp thời sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Phó Thủ tướng mong muốn, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Vì vậy, Hà Nội cần gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách và các phong trào, bởi Thủ đô phát triển đi lên hay là khó khăn yếu kém sẽ ảnh hưởng chung đến cả nước.
Vì vậy, tới đây, Hà Nội cần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để đóng góp ý kiến, sáng kiến hay cho Trung ương./.
Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
http://www.vietnamplus.vn/Home/Kinh-te-HN-phat-trien-on-dinh-nhung-chua-vung-chac/20139/215270.vnplus