“Sau 6 năm triển khai, đã có 20 mô hình sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (gọi tắt là VietGap) được hình thành tại 8 tỉnh, thành trên cả nước”. Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo tổng kết mô hình điểm, chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn theo VietGap do Bộ NN&PTNT phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Canada tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo đánh giá chung, các sản phẩm gồm: Rau, củ quả, thịt gà, thịt lợn của các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai, Long An và thành phố Hồ Chí Minh sau khi tham gia dự án được chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cải thiện được chất lượng và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, với khoảng 28.000 tấn sản phẩm các loại mỗi năm.
Nhiều sản phẩm nông sản như: Rau muống, vải thiều, xoài.... giá trị tăng từ 12% - 14% so với giá trị trước khi tham gia mô hình. Cá biệt các sản phẩm thịt gà, thịt lợn vẫn đảm bảo về giá vì có đầu ra ổn định trong khi giá thị trường sụt giảm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế...
Ông Bùi Văn Minh, chuyên gia kỹ thuật dự án cho biết, quyết định thành công của các mô hình là quy trình thiết kế chuỗi nông sản trên cơ sở xác định sản phẩm chủ lực, những sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao về mất an toàn thực phẩm của địa phương. Từ đó, tạo sự gắn kết giữa cơ sở sản xuất và thu gom tiêu thụ, yếu tố giữa sản xuất và kinh doanh là rất quan trọng đối với từng hợp tác xã và cơ sở tham gia chuỗi. Bên cạnh đó phải gắn kết giữa các yếu tố khoa học kỹ thuật và thương mại.
Các tham luận tại hội thảo cũng đi sâu phân tích kinh nghiệm xây dựng và tổ chức áp dụng theo chuỗi sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn; tăng cường năng lực kiểm nghiệm, kiểm tra và hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý; giải pháp liên kết thị trường, xúc tiến thương mại. Do tuân thủ theo quy trình công nghệ nên chi phí vật tư đầu vào của sản xuất theo VietGAP thấp hơn so với sản xuất thông thường nhưng lợi nhuận lại cao hơn.
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai – một trong những tỉnh tham gia dự án đánh giá: Dự án giúp cho công tác quản lý xác định được vấn đề hài hòa lợi ích phải có trong liên kết chuỗi.
“Đơn cử mô hình sản xuất VietGap gia cầm ở địa phương doanh nghiệp tham gia dự án điều hành từ khâu chăn nuôi – giết mổ - bán ra thị trường lợi ích của các bên được đảm bảo. Trong lúc bất lợi của thị trường người chăn nuôi tham gia chuỗi không phải chịu thiệt như chăn nuôi nhỏ lẻ.”, ông Báu nhấn mạnh.
Từ những thành công của 20 mô hình điểm, chuỗi sản xuất nông sản theo VietGap đang được Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương nhân rộng ra toàn quốc, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững./.
Theo Minh Long/VOV.VN