Cập nhật: 21/09/2013 16:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thính giả Nhật Bản cho rằng Đài Tiếng nói Việt Nam thật sự là “cầu nối giữa hai dân tộc, giữa nhân dân hai nước”.

Ngày 7/9/1945 Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập. Cũng vào ngày này Chương trình phát thanh tiếng Anh, tiếng Pháp cũng phát sóng chương trình đầu tiên, tuyên truyền cuộc đấu tranh chính nghĩa, anh dũng của dân tộc Việt Nam, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân thế giới.

Những phát thanh viên nổi tiếng của Đài TNVN trong thời kỳ kháng chiến 

Bước vào thời kỳ chiến tranh chống Mỹ sau năm 1954, để mở rộng họat động tuyên truyền, Đài TNVN thành lập thêm một số chương trình phát thanh tiếng nước ngoài khác trong đó có chương trình phát thanh tiếng Nhật. Chương trình tiếng Nhật, Đài TNVN trở thành nơi tiếp nhận tình cảm, sự ủng hộ vật chất, tinh thần của nhân dân Nhật Bản, hướng tới nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Tình yêu từ trong khói lửa chiến tranh

Ngày 29/4/1963 chương trình phát thanh Tiếng Nhật đầu tiên được phát sóng với sự giúp đỡ của một số chuyên gia do Đảng Cộng sản Nhật Bản và hãng Denpa News cử sang vừa làm biên tập viên kiêm phát thanh viên.

Lúc đó, biên tập người Việt Nam chỉ có biên tập viên Bạch Vân (sau này trở thành một trong những người giỏi tiếng Nhật hàng đầu của Việt Nam), Nguyễn Thị Tuyết và Trần Tự. Vào thời gian này, Mỹ leo thang cuộc chiến tranh tại Việt Nam, dùng không quân đánh phá miền Bắc, miền Bắc chìm trong khói lửa.

Tại Nhật Bản, các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh tại Việt Nam diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân Nhật Bản. Chương trình tiếng Nhật trở thành cầu nối quan trọng đặc biệt giữa nhân dân hai nước.

Trong những năm tháng này, trung bình mỗi tháng có từ 4000-5000 lá thư của thính giả Nhật gửi về Đài TNVN. Tất cả các lá thư đó vừa bày tỏ sự ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, khích lệ, động viên anh chị em biên tập công tác, tiếp tục làm nhiệm vụ chính trị quan trọng, thông tin về đời sống, tinh thần lạc quan của con người Việt Nam trong thời chiến. Đặc biệt, hơn chương trình tiếng Nhật có nhiệm vụ kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè Nhật Bản và quốc tế ủng hộ cho cuộc giải phóng con người ở Việt Nam.

Cũng chính lúc này bà Nakamura Nobuko, vợ của nhà nông học nổi tiếng Lương Định Của, đã đến làm việc tại chương trình Tiếng Nhật, giúp biên tập phần tiếng Nhật, đọc chương trình trên sóng. Và cũng chính Bà là người vào thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 đã truyền đi bản tin tiếng Nhật về chiến thắng 30/4.

Nakamura Nobuko trở thành nhân chứng cho chiến thắng của một dân tộc nhỏ bé trước một cường quốc. Bà trở thành người con của Việt Nam. Trong vòng 12 năm bã đã gắn bó với chương trình phát thanh Tiếng Nhật. Tất cả những người đã từng gặp bà đều gọi bà là "Chị Của”.

Năm 2010, dù đã ở tuổi 88 Bà đã cho ra cuốn hồi ký “Gió từ Hà Nội” viết về người chồng thân yêu của mình, và thời gian quí báu làm việc tại chương trình tiếng Nhật Đài Tiếng nói Việt Nam. Cuốn sách này cũng đã được giới thiệu trong chuyên mục Bức thư Hà Nội của chương trình phát thanh tiếng Nhật thể hiện mối tình của một người Nhật đã gắn bó với Việt Nam trong cả cuộc đời.

Chính mối tình của bà Nakamura và Giáo sư Lương Định Của là minh chứng cho sự giao kết giữa hai dân tộc. Sự giao kết đó là sự thấu hiểu, soi thấu nhau và gắn kết với nhau giữa người và người, không phân biệt sang, hèn, giai cấp và cả ngôn ngữ.

Sau giải phóng, chương trình tiếng Nhật tiếp nhận thêm một số biên tập viên, phát thanh viên trẻ mới. Đồng thời Đảng Cộng Sản Nhật Bản tiếp tục gửi một số chuyên gia sang hỗ trợ chương trình tiếng Nhật. Tuy nhiên, lúc này các biên tập viên, phát thanh viên đã vững nghề nên các chuyên gia Nhật cũng trực tiếp đi làm các phóng sự về cuộc sống của người Việt Nam sau chiến tranh. Việt Nam sau chiến tranh còn nhiều khó khăn, nên tư duy về tuyên truyền cũng khác.

Nhật Bản lúc này đã trở thành nước giàu có và tư duy mở hơn Việt Nam. Do vậy, các phóng sự của các chuyên gia Nhật lại đi sâu hơn vào đời sống xã hội, việc xây dựng lại những di sản như thế nào, giáo dục tiếng Nhật ở Việt Nam ra sao. Chính hoạt động tuyên truyền này làm cho các bạn Nhật Bản hiểu rõ hơn về cuộc sống sinh hoạt của người dân Việt Nam, phong tục tập quán, tiềm năng du lịch. Tuy chiến tranh vừa kết thúc, nhưng đã lác đác có khách du lịch tới Việt Nam. Điều này chứng tỏ rằng lúc này Việt Nam có sự hấp dẫn riêng về văn hoá.

Kết nối từ trái tim tới trái tim

Bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với xu thế chung, chương trình tiếng Nhật tập trung vào tuyên truyền chủ trương, chính sách đổi mới, những thành quả ban đầu của Việt Nam. Bạn bè quốc tế bao gồm Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới.

Năm 1993, Nhật nối lại viện trợ cho Việt Nam. Tuy nhiên, viện trợ này không chỉ tập trung vào công việc xây dựng hạ tầng giao thông, mà tập trung nhiều cho việc xây dựng trường học. Một loạt bài báo viết về viện trợ này và hiệu quả của nó mang lại. Nhiều thính giả gửi thư về bày tỏ mong muốn chính phủ Nhật tiếp tục viện trợ cho việc xây dựng trường học cho Việt Nam.

Từ 2000 đến nay, nền kinh tế Việt Nam phát triển, giao lưu văn hoá với Nhật Bản cực kỳ phát triển. Có thể nói Nhật Bản với quan điểm “truyền bá”, “hấp thụ”, “cộng sinh” đã tạo ra một trào lưu văn hoá tích cực tại Việt Nam. Và đây cũng là những nguồn thông tin quí giá và rộng lớn để cho chương trình tiếng Nhật và các loại hình truyền thông khác của Đài TNVN hoạt động.

Năm 2011, Đài TNVN chính thức khai trương trang web tiếng Nhật, đáp ứng nhu cầu phát triển của quan hệ hai nước. Thông qua các kênh truyền thông của Đài TNVN, các bạn Nhật hiểu rõ hơn về đất nước con người Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng mở rộng đầu tư tại Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp phát triển của Việt Nam.

Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Đăng Tiến trong buổi tiếp Phó Chủ tịch Đài NHK tại Nhật Bản (Ảnh: Hoàng Liên Sơn/ VOV)

Nhiều thính giả đã gửi thư về Đài, bày tỏ sự quí mến đối với Đài TNVN.

Ông Miwa Satoh, sống tại Tokyo, trong một bức thư gửi về cho Đài tâm sự: “Tôi chưa có cơ hội đến thăm đất nước các bạn, nhưng qua chương trình tôi được hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, về đời sống thường ngày của người dân Việt Nam. Tôi cảm nhận được sự yên bình và tươi đẹp trong đó. Các bạn có một nền văn hóa đáng tự hào, trong đó có nhiều điểm tương đồng với văn hóa đất nước chúng tôi. Có lẽ tôi muốn đến tận nơi đất nước các bạn. Chương trình tiếng Nhật thật sự là cầu nối giữa hai dân tộc, giữa nhân dân hai nước. Tôi hy vọng chúng ta sẽ hiểu nhau hơn”.

Nguyên đại sứ Sakaba Mitsuo từng khẳng định: “Quan hệ hai nước chúng ta đang ở giai đoạn viên mãn nhất ở trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt ở các hoạt động giao lưu văn hóa thực sự phong phú. Nhật Bản coi trọng tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa đó. Bởi đó là những hoạt động làm cho nhân dân hai nước chúng ta thấu hiểu nhau hơn, gắn kết nhau hơn. Đó cũng là yếu tố thực sự làm giàu thêm bản sắc dân tộc của mỗi nước”.

Đài TNVN  là một trong những nơi hưởng ứng nhiệt tình nhất lời kêu gọi tham gia triển lãm của Câu lạc bộ Sóng ngắn Nhật Bản.

Ông Otake, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sóng ngắn, nơi quy tụ những người nghe đài nước ngoài tại Nhật Bản cho biết: “Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những Đài nước ngoài hưởng ứng nhiệt tình nhất lời kêu gọi tham gia triển lãm của Câu lạc bộ Sóng ngắn Nhật Bản. Nhiều thính giả Nhật Bản đánh giá cao sự cải tiến trong công tác chăm sóc thính giả của Đài”.

Anh Sudo ở tỉnh Chiba trong một bức thư gửi về Đài  tâm sự rằng, Đài Tiếng nói Việt Nam cung cấp nhiều thông tin quý giá về Việt Nam. Thông tin nhanh nhạy, chính xác về Việt Nam đã giúp anh hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.

 Còn ông Suzuki, một người nghe Đài Tiếng nói Việt Nam từ những chương trình đầu tiên bằng tiếng Anh lại rất ấn tượng với sự đổi mới về nội dung chương trình của Đài. Mặc dù nói năng rất khó nhọc do bị tai biến mạch máu não, nhưng ông Suzuki vẫn hàng ngày nghe Đài. Dù chưa có dịp đến Việt Nam, nhưng khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam ông có cảm giác như đang được tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở Việt Nam.

Đáp lại những tình cảm đặc biệt của thính giả, bạn đọc đối với Đài TNVN tháng 4/2012, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trong chuyến thăm Đài Phát thanh - Truyền hình NHK (Nhật Bản) đã thống nhất rằng: Hai Đài cần cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác được ký năm 2004 nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai bên, đồng thời sẽ tăng cường mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực nhằm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao giữa hai nước năm 2013.

Cụ thể thông qua các chương trình của hai Đài, đặc biệt chương trình tiếng Nhật của Đài Tiếng nói Việt Nam và tiếng Việt của Đài NHK, cơ quan thường trú của Đài Tiếng Nói Việt Nam tại Tokyo, Nhật Bản tích cực truyền bá thông tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa nhân dân 2 nước./.

Theo Bùi Hùng/VOV online

 

 

Tệp đính kèm