Cập nhật: 27/09/2013 09:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đã cuối mùa mưa, song tỉnh Lai Châu vẫn còn gần 150  hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, cần hỗ trợ và tìm phương án di dời. Tuy nhiên, công tác này đang khó và bí cho cả chính quyền địa phương và người dân. Lai Châu rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để thực hiện công tác này.

Vết nứt trong ngôi nhà chị Vương càng ngày càng sâu, nguy hiểm

Mấy hôm nay trời mưa, gia đình chị Hoàng Thị Vương ở bản Nà Phạ, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu lại dắt díu nhau lên lánh tạm ở nhà anh em. Khu vực nhà chị Vương ở đã xuất hiện vết nứt lớn, dài hơn 100m, khiến một nửa nhà bị sụt nghiêng về phía sau.

Theo chị Hoàng Thị Vương, biết là nguy hiểm, nhưng trong lúc chưa tìm được đất để di chuyển nhà, anh chị chưa biết đi đâu. Thương nhất mấy đứa con nhỏ, hàng ngày phải lên nương cùng mẹ vì không dám để ở nhà vì sợ nguy hiểm.

Ông Hoàng Văn Chài, Phó bí thư Chi bộ bản Nà Phạ, người đã sống 40 năm nay ở bản cho biết, năm ngoái, tại sườn dốc của bản đã xảy ra vết nứt này, nhưng vào mùa mưa năm nay, vết nứt ngày một dài và sâu thêm, ngày càng nguy hiểm. Mới đây đã có hai nhà đã bị sập đổ trong đêm.

Hiện tại, hai hộ đang phải lưu trú tạm tại nhà của anh em và chờ đợi sự hỗ trợ từ phía huyện, chính quyền địa phương. Để đảm bảo an toàn tính mạng về người và tài sản, các hộ dân trong bản đều muốn di dời đến nơi ở mới, song còn rất nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Văn Chài cho biết: “Mong muốn của bà con ở bản là muốn hỗ trợ thêm công vận chuyển, bởi vì mức hỗ trợ 10 triệu đồng như hiện tại không thể dỡ được, bởi vì khi dỡ nhà sàn ra thì sẽ nhiều thứ bị mục mọt, mái pro xi măng cũ dỡ ra cũng không dùng lại được, mà mua mới rất đắt. Bà con mong muốn Nhà nước hỗ trợ từ 40 đến 50 triệu đồng để di chuyển”.

Qua những trận mưa lớn liên tiếp, huyện Than Uyên hiện có 87 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lún sụt đất cần di dời khẩn cấp. Trong khi chờ phương án di dời dân, vào những ngày mưa to, chính quyền các xã, huyện cắt cử cán bộ trực 24/24h để cảnh báo và cho di dời ngay nếu xảy ra hiện tượng bất thường.

Rất may, chưa có trường hợp nào tử vong, mất tích hay gặp nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên đây chỉ là phương án trước mắt, cái cần kíp nhất cho hàng chục hộ dân là việc huyện cần lập hồ sơ, tìm kiếm mặt bằng ổn định để di chuyển họ tới nơi địa điểm thuận lợi. Đó cũng là nguyện vọng của những người dân các xã bị ảnh hưởng từ những đợt mưa vừa xảy ra.

Để đảm bảo cho các hộ dân bản Nà Phạ sống phía dưới ta luy âm tuyến đường được an toàn tuyệt đối trong mùa mưa, Ủy ban nhân dân huyện Than Uyên đã đề nghị Ban Quản lý Thủy điện 1 khẩn trương nghiên cứu phương án thiết kế xử lý rãnh dọc khu vực, chuyển từ rãnh đào đất thành rãnh hộp bê tông để người dân yên tâm sống và sinh hoạt. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tình thế, nếu kéo dài sang mùa mưa sang năm thì khó có thể đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Than Uyên cho biết: “Đối với những hộ nhỏ lẻ, nếu hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng là thấp, bởi vì đa số là những hộ khó khăn, hộ nghèo. Huyện phải bổ sung nguồn đối ứng rất lớn, cho nên công tác tuyên truyền vận động, sắp xếp lại dân cư rất khó. Chúng tôi mong muốn trong chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho di chuyển nhỏ lẻ, cần tăng mức hỗ trợ để các hộ này đủ điều kiện để ổn định cuộc sống tại nơi ở mới”.

Ngoài huyện Than Uyên, tại các huyện Tân Uyên, Mường Tè, Phong Thổ cũng còn hơn 50 hộ cần di dời. Trong tình thế cấp bách, để ổn định đời sống cho nhân dân, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã khắc phục và xử lý tạm thời.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ cho tỉnh 30 tỷ đồng để tổ chức khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất, ổn định đời sống và sản xuất lâu dài cho đồng bào./.

Theo Thanh Thủy/VOV.VN

Tệp đính kèm