Trong cuộc họp báo tại Hà Nội, các diễn viên Việt Nam và Nhật tham gia bộ phim đều có mặt. Đặc biệt, sự xuất hiện của diễn viên nhí Mana Ashida (vào vai con gái riêng của Testuya), khiến các nhà báo rất chú ý. Tuy nhiên, do thời gian không nhiều, nên việc giao lưu với nữ diễn viên này rất ít. Tại Nhật Bản, các bối cảnh phim cũng trải dài ở cả miền Đông và Tây, từ các thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Kyoto, cho đến những khu vực lân cận như Shiga, Yokohama, Nagoya… Phục trang phim cũng được đầu tư thiết kế riêng cho các diễn viên, quần chúng cả Nhật Bản và Việt Nam với gần 2.000 bộ trang phục để đảm bảo tính chân thực cho câu chuyện.
Còn nhớ, khi phim bắt đầu khởi quay, qua cầu truyền hình trực tuyến, Mana Ashida chia sẻ, em chưa biết về Việt Nam, chỉ được nghe mọi người kể chuyện và ấn tượng nhất là Việt Nam nhiều xe máy và thời tiết rất nóng. Nhưng lần này, trong buổi ra mắt phim, ấn tượng của Mana Ashida đã khác. Em tâm sự, điều em ấn tượng nhất về Việt Nam là chiếc áo dài truyền thống. Bởi khi khoác bộ trang phục này lên người, em cảm thấy lưng mình thẳng hơn so với khi mặc kimono của Nhật Bản.
Mana Ashida là diễn viên nhí tài năng, đã đảm nhiệm vai chính đầu tiên trong bộ phim truyền hình “Marumo no Okite” năm 2011 và được phát sóng vào giờ vàng. Mana là một trong 10 diễn viên nhí nổi tiếng nhất Nhật Bản, đã đóng hơn 10 phim truyền hình và điện ảnh. Em từng sang Hollywood góp mặt trong siêu phẩm bom tấn “Pacific Rim”. Không chỉ thế, Mana Ashida còn tham gia hát bài hát chủ đề với tư cách thí sinh nhỏ tuổi nhất trong lịch sử của chương trình có tên gọi Kōhaku Uta Gassen của Đài truyền hình NHK.
Cô bé còn là ca sĩ solo nhỏ tuổi nhất góp mặt trong top 10 trên bảng xếp hạng hàng tuần của Oricon (tập đoàn đang nắm giữ vị trí hàng đầu của một nhóm công ty Nhật Bản cung cấp số liệu thống kê, thông tin về âm nhạc và ngành công nghiệp âm nhạc tại Nhật Bản). Còn nhỏ tuổi, nhưng Mana đã là chủ nhân của nhiều giải thưởng danh giá: “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” tại Nikkan Sports Drama Grand Prix lần thứ 14 và Giải thưởng đặc biệt tại Tokyo Drama Awards lần thứ 4; Giải diễn viên mới tại giải Television Drama Academy và tại Japan Academy… Mana cũng thử sức với vai trò lồng tiếng cho nhân vật Agnes trong Despicable Me phiên bản Nhật.
Higashiyama Noriyuki (vai bác sĩ Sakitaro) chia sẻ: “Cảm nhận đầu tiên của tôi là thực sự cảm động với tình bạn đẹp đẽ giữa hai vị tiền bối của hai dân tộc chúng ta cách đây 100 năm. Chúng tôi sẽ trân trọng mối quan hệ mà Sakitaro và Phan Bội Châu đã xây dựng và mong muốn thông qua tác phẩm gắn kết giữa mối quan hệ từ thời đó với các thế hệ sau, giao lưu văn hóa giữa hai nước sẽ được đẩy mạnh.”
Có nhiều chuyện thú vị về bộ phim được ekip làm phim bật mí trước giờ phim lên sóng. Đó là cảnh quay của Phạm Huỳnh Đông trong vai Phan Bội Châu. Là cảnh gần cuối nhưng lại quay từ những ngày đầu, khi Phạm Huỳnh Đông và Higashiyama (vai Sakitaro) chưa từng gặp mặt, nên cũng chưa có kỷ niệm cùng nhau, thậm chí, Đông còn chưa hình dung rõ về nhân vật Sakitaro. Thế nhưng đạo diễn lại yêu cầu Phạm Huỳnh Đông phải khóc khi nghĩ tới Sakitaro. Vì thế, đoàn phim vô cùng lo lắng khi nhiều cảnh đã phải quay lại nhiều lần trong bối cảnh thời tiết rất thất thường.
Để lấy cảm xúc cho Huỳnh Đông, đạo diễn Muto đã chỉ đạo diễn xuất tỉ mỉ và cẩn trọng về diễn biến tâm lý tinh tế của nhân vật cho Phạm Huỳnh Đông và dặn: “Hãy thật phẫn uất và hét lớn lên, hãy khóc như chưa từng khóc trong đời”. Sau nhiều lần tập dượt và với sự giúp đỡ của đạo diễn Phạm Thanh Phong, Huỳnh Đông đã có được cảm xúc để diễn. Khi đạo diễn hô “OK” và ra bắt tay cảm ơn Phạm Huỳnh Đông thì bất ngờ, trời bỗng đổ mưa tầm tã, như thể ông trời cũng chờ đợi cảnh quay của Huỳnh Đông hoàn tất để trút mưa vậy.
Tạo hình của vai Sakitaro rất đặc biệt. Ngoài cặp kính tròn, theo ý tưởng của diễn viên Higashiyama, các phục trang có nhiều phụ kiện nặng, cho thấy một thân hình cường tráng. Khi quay, thời tiết cũng khi mưa khi nắng. Lạ là, không hiểu sao, trời đang đổ mưa nhưng khi Hiyashiyama xuất hiện bỗng dưng lại hửng nắng, khiến đoàn phim ngỡ ngàng.
Quay phim vào mùa mưa, cả ekip đều gặp rất nhiều khó khăn. Ở cảnh quay nơi ẩn náu của Phan Bội Châu khi bị quân lính Nhật truy đuổi tại ngôi chùa Zenkoji (tỉnh Ishioka), các thành viên đoàn phim phải mặc quần lửng, đi dép xăng đan nhựa, có người đi cả ủng để dễ dàng di chuyển. Nhiều người trong êkíp tham gia các cảnh quay quên mất, vẫn đi nguyên cả … ủng.
Một kỷ niệm mà các thành viên của TBS nghĩ lại vẫn còn…giật mình, là khi quay cảnh Suzuki Testuya và Hatakeyama Noriaki uống cà phê tại một quán cà phê ở Việt Nam. Đạo diễn và nhà sản xuất phim cùng VTV đi khảo sát phố phường ở Việt Nam rất nhiều trước khi quyết định chọn địa điểm này, bởi cần một quán cà phê có tầm nhìn bao quát cả thành phố với những chiếc ghế rất phong cách trên sân thượng. Thế nhưng trước khi quay 2 tuần, đã xảy ra một sự cố.
Khi cả ekip vội vã bay từ Tokyo đến Hà Nội thì quán trống không, mà không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra? Ngày quay đến gần, các thành viên của Nhật vô cùng lo lắng thì ekip của VTV vẫn tươi cười: “Không sao đâu!” Khi êkip bên Nhật đến trường quay, đã vô cùng ngạc nhiên khi không hiểu bằng cách nào, mà quán cà phê đó lại có trạng thái đúng như khi đạo diễn tìm bối cảnh, cả bàn ghế và đồ uống, khiến phía bạn hài lòng vô cùng...
“Người cộng sự” xoay quanh câu chuyện của hiện tại và quá khứ được đan xen một cách khéo léo, qua những cuộc gặp vô tình giữa người bạn Việt Nam và Nhật Bản, để làm sáng tỏ một tình bạn vĩ đại cách đây hơn 100 năm chưa từng được kể lại: Suzuki Tetsuya (do Higashiyama Noriyuki thủ vai) là một doanh nhân Nhật Bản, sang Việt Nam đàm phán một hợp đồng kinh tế, nên đã gặp giám đốc Thành Nam, người có vai trò quyết định trong đàm phán. Giám đốc Nam đưa ra một bức ảnh và nói “nếu các anh mang sang được báu vật đang ngủ yên trong đài tưởng niệm này thì chúng ta sẽ ký kết hợp đồng” và cho biết: “Nhân vật trong bức ảnh của đài tưởng niệm là Phan Bội Châu”.
Tetsuya và Hatakeyama nhanh chóng tìm ra đài tưởng niệm và đã phát hiện ra tài liệu ghi chép về Phan Bội Châu và Sakitaro - một sự thật lịch sử ngoài sức tưởng tượng. Hơn 100 năm trước, Asaba Sakitaro (Higashiyama Noriyuki) đã gặp nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Sakitaro nhận thấy nhiệt huyết trong mắt Phan Bội Châu khi nói rằng: “Chúng tôi cần sự hỗ trợ vũ lực của Nhật Bản để giành lại độc lập cho Việt Nam” nên đã giúp Phan Bội Châu tiếp cận với các chính trị gia có quyền lực và được hứa hỗ trợ đào tạo nhân lực. Do áp lực của Pháp, hoạt động của Phan Bội Châu bắt đầu bị đàn áp.
Tình bạn mãnh liệt của Phan Bội Châu và Sakitaro có kết cục buồn, nhưng thông điệp của hai người cách đây 100 năm vẫn còn đó. Một tình bạn vĩnh cửu, không có gì thay thế được. Bộ phim là câu chuyện về tình bạn bao la được đặt ra cho thời đại ngày nay của Việt Nam và Nhật Bản./.