Cập nhật: 09/10/2013 09:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hai ngày nay, được sự đồng ý của Ban Tổ chức Lễ tang và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gần 100 thanh niên tình nguyện Thủ đô thường xuyên túc trực phục vụ tại nhà riêng của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp số 30 phố Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội). 

Nhân dân từ khắp các địa phương trong cả nước đổ về ngôi nhà 30 đường Hoàng Diệu (Hà Nội) bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương vô hạn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại đây, các thanh niên tình nguyện Thủ đô tham gia phục vụ, phụ giúp làm các công việc: Hướng dẫn nhân dân vào tưởng nhớ Đại tướng, giúp đỡ người già, người cao tuổi; Tiếp nhận hương hoa, đồ lễ; hướng dẫn nhân dân ghi sổ tưởng nhớ; phục vụ nước uống miễn phí cho người dân đến tưởng nhớ Đại tướng...

Cùng với đó, tại các ngã tư Điện Biên Phủ-Trần Phú; Hoàng Diệu-Nguyễn Thái Học, Hoàng Diệu-Điện Biên Phủ…, Thành đoàn Hà Nội còn bố trí tăng cường các đội hình phản ứng nhanh về giao thông thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng, giảm thiểu ùn tắc giao thông quanh khu vực.

Có mặt tại đây, bạn Nguyễn Thị Hảo (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Công đoàn) được phân công giúp việc ở vòng ngoài. Hảo nhiệt tình, tích cực hướng dẫn nhân dân khắp mọi miền đất nước tới tưởng nhớ Đại tướng.

Hảo chia sẻ từ khi còn nhỏ, qua các cuốn phim tài liệu và sách báo, Hảo đã rất ngưỡng mộ và khâm phục tài năng, sự lãnh đạo quân sự tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi nghe tin Đại tướng mất, Hảo cảm thấy bàng hoàng và vô cùng đau xót như vừa mất đi một người thân yêu trong gia đình. Tình nguyện tới đây tham gia phụ giúp việc cho người dân đến tưởng nhớ Đại tướng là một hình thức để Hảo bày tỏ sự thương nhớ và biết ơn tới công lao của Đại tướng cho Cách mạng Việt Nam, cho đất nước, cho những thế hệ trẻ sau này được hưởng thụ cuộc sống hòa bình, không có chiến tranh. Tại đây, Hảo được chứng kiến hàng vạn người dân từ khắp mọi miền đất nước chung một tấm lòng tới tưởng nhớ Đại tướng.

Có người đến đây từ 2 giờ sáng mà vẫn phải xếp hàng chờ đến tận gần 9 giờ mới được vào chia buồn cùng gia đình Đại tướng. Cả dòng người xếp dài qua mấy dãy phố, người mang theo bó hoa, thẻ hương, người thì mang theo bức trướng theo dòng chữ ca ngợi công lao của Đại tướng, người thì mang theo tập thơ kể về những chiến công lẫy lừng của Đại tướng...

Dòng người ấy đến từ khắp mọi miền đất nước, già có, trẻ có, trí thức có, nông dân có… đủ các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Xúc động nhất với Hảo là cô được tận mắt nhìn thấy có 2 anh chị đều bị khuyết tật chân, ngồi xe lăn để người thân đẩy đi vào chia buồn cùng gia đình Đại tướng. Cũng có bác thương binh khó nhọc bước đi bằng đôi chân giả nhưng vẫn cố gắng đi lên phía trước để mau chóng được thành tâm nghiêng mình trước di ảnh của Đại tướng.

Dòng người xếp hàng ngày càng đông, để đáp ứng nguyện vọng của mọi người, Ban tổ chức đã quyết định mở cửa thông tầm, không nghỉ trưa để tất cả mọi người dân đều có thể được vào bày tỏ lòng tưởng nhớ với Đại tướng, không phải để ai phải quay về nhà vì hết giờ.

Hòa mình trong đoàn người thương nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ba mẹ con bác Nguyễn Phi Loan (66 tuổi, ở phố Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) cùng chung một tâm trạng thương tiếc, đau xót trước sự ra đi của vị Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Biết bác Loan muốn tới chia buồn và tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 2 cô con gái của bác Loan làm ở Cục Thống kê Hà Nội và Đoàn Luật sư Hà Nội đều xin cùng đi với bác để được tới vĩnh biệt lần cuối một vị tướng tài ba của đất nước.

Bác Loan vốn là thanh niên xung phong tình nguyện tháng 8 Thủ đô. Năm 2000, bác Loan vinh dự được cùng đại diện Đoàn thanh niên xung phong tháng 8 Thủ đô tới mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 90 tuổi và được chụp ảnh chung với Đại tướng. Tới tưởng nhớ Đại tướng, cầm theo tấm ảnh kỷ niệm ngày ghi nhớ ấy, tay run run vì xúc động, bác Loan nói đây là bức ảnh vô giá mà bác đã và sẽ giữ gìn cẩn thận trong suốt cuộc đời mình.

Cảm động trước tấm lòng của các tầng lớp nhân dân đến từ khắp mọi miền đất nước đối với vị Đại tướng tài năng và nhân hậu, nhiều người dân xung quanh khu vực nhà riêng của gia đình Đại tướng cũng đã thể hiện tấm lòng của mình thông qua hành động, mở lòng hảo tâm, mời nước uống, bánh mỳ, quạt giấy… miễn phí cho người dân đến tưởng nhớ Đại tướng.

Chị Nguyễn Thị Thu (49 tuổi, ở 32B Điện Biên Phủ, Hà Nội) từ 2 ngày nay không mở quán hàng mà huy động nhân viên mang nước uống, bánh mỳ bày ra trước cửa quán để phát miễn phí cho dòng người dân đang xếp hàng tới tưởng niệm Đại tướng.

Thương mọi người xếp hàng, chờ đợi dưới nắng nóng, chị Thu bảo nhân viên mang mấy chiếc ô to của cửa hàng mang ra che nắng chung cho cả dòng người. Chị bảo, người dân khắp nơi còn không quản xa xôi, vất vả đến đây, còn chị là người địa phương, ở ngay cùng phường với gia đình Đại tướng, thì cũng cần phải có hành động thiết thực, cụ thể để chia sẻ nỗi tiếc thương Đại tướng với mọi người.

Chị yêu cầu nhân viên phải thay phiên nhau trực suốt cả ngày, kể cả buổi trưa để phát nước và bánh cho mọi người, phát đến khi nào không còn ai mới thôi. Chị Thu còn trực tiếp đặt nồi nấu cháo cho mọi người, nhưng thấy bất tiện quá vì phải có bát, thìa và thiếu chỗ ngồi ăn… nên chị Thu mua thêm bánh mỳ về phát.

Chị rưng rưng tâm sự là người dân trong cùng tổ dân phố với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chị và cả nhà vô cùng quý trọng và kính yêu vị Đại tướng thiên tài của đất nước. Chị muốn thể hiện sự yêu quý của mình qua hành động thiết thực, bởi lẽ “sau này mình có muốn cũng không còn có cơ hội nữa.”

Những hành động, việc làm thiết thực của tuổi trẻ Thủ đô, của những người dân từ khắp mọi miền đất nước là những nén tâm nhang thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn và lòng thành kính sâu sắc đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp./.

 

Kim Anh (TTXVN)

http://www.vietnamplus.vn/Home/Nhung-hoat-dong-tinh-nguyen-tuong-nho-Dai-tuong/201310/219699.vnplus

Tệp đính kèm