Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thu hút sự quan tâm của đồng bào và cử tri cả nước ngay tuần đầu tiên với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thảo luận tình hình kinh tế xã hội năm 2013...
Trong đó, chủ trương nâng trần bội chi để dành thêm nguồn lực cho đầu tư của Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình cũng như ghi nhận sự băn khoăn, lo lắng của dư luận về các sử dụng đồng vốn của dân thế nào cho hiệu quả, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn.
Có thể thấy sau nhiều nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ của chính phủ, nền kinh tế nước ta đã có dấu hiệu ấm dần lên và đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trong 15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra năm 2013, có 11chỉ tiêu đạt và vượt, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt. Trong đó lần đầu tiên, chúng ta không đạt chỉ tiêu thu ngân sách với số hụt thu 63.000 tỉ đồng, chi thường xuyên vượt mức cho phép, tỉ trọng nguồn vốn đầu tư phát triển thấp.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ phải đề nghị Quốc hội cho phép nới trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% để dành thêm nguồn vốn đầu tư phát triển nhằm chặn đà giảm sâu của nền kinh tế.
Có một thực tế là khi tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, thì việc duy trì hoặc tăng đầu tư công là hết sức cần thiết. Kinh nghiệm vượt khủng hoảng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, Đức... cho thấy, họ đã nâng trần bội chi ngân sách mạnh mẽ để ngăn chặn không cho nền nền kinh tế rơi xuống đáy. Và họ đã thành công khi rút ngắn được thời gian lấy lại đà tăng trưởng.
Trong 10 năm qua, ngân sách đã chi cho lĩnh vực đầu tư công gần 450 ngàn tỷ đồng - một số tiền không hề nhỏ. Thế nhưng vì đầu tư dàn trải, thiếu qui hoạch, địa phương nào cũng đua nhau xây dựng Khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, nhà máy đường, nhà máy xi măng; tỉnh nào cũng xây trường đại học, rồi hàng trăm dự án giao thông dang dở, đắp chiếu bỏ mặc cho nắng mưa... Đó là chưa kể đến tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng xảy ra ở nhiều dự án lớn, làm thất thoát lớn nguồn lực đầu tư của nhà nước.
Số tiền gần 450 ngàn tỷ đồng đầu tư công nếu được đầu tư đúng mục đích, đúng qui hoạch, được giám sát tốt, có hiệu quả thì chắc chắn, diện mạo nền kinh tế của đất nước đã khác. Nghĩa là bản thân việc gia tăng đầu tư công (bao gồm cả việc chi cho đầu tư phát triển) không phải là nguyên nhân gây ra bất ổn kinh tế, hoặc làm cho nền kinh tế kém hiệu quả, mà vấn đề là cách thức chúng ta thực hiện đầu tư công như thế nào!
Sự thành công của các nền kinh tế lớn trên thế giới có thể coi là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, thì việc nâng trần bội chi, dành thêm nguồn lực khoảng 200 nghìn tỉ đồng mỗi năm cho đầu tư phát triển, được kỳ vọng là động lực để hồi phục sức khỏe cho nền kinh tế và kích hoạt tăng trưởng. Tất nhiên, việc nâng trần bội chi như thế nào, đầu tư ra sao rất cần được tính toán kỹ lưỡng, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí, thất thoát./.
Theo Vân Thiêng/VOV.VN