Quả và gai bồ kết là những bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu trong y học hiện đại, y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian.
Quả bồ kết được thu hái vào tháng 10 - 11, lúc quả có màu xanh lục hoặc màu hơi vàng, phơi khô, rồi buộc thành từng bó treo trên giàn bếp cho đến khi có màu đen bóng. Dược liệu hơi dẹt và cong, chất cứng giòn, dễ bẻ gãy.
Trong y học cổ truyền, quả bồ kết có tên thuốc là tạo giác, có vị cay, mặn, tính ôn, hơi độc, có tác dụng thông khiếu, hắt hơi, sát khuẩn, khử đờm, tiêu thũng, được dùng trong những trường hợp sau:
Chữa viêm xoang, ngạt mũi, khó thở: bồ kết 1 quả đốt cháy lấy khói xông vào hai lỗ mũi. Ngày làm vài lần.
Chữa trúng phong, cấm khẩu, hôn mê bất tỉnh: quả bồ kết 40g, giun đất 40g, lông nhím 20g, đốt thành than. Mỗi lần uống 4 - 8g với nước ấm, ngày hai lần. Kết hợp lấy quả bồ kết và lá bạc hà (lượng bằng nhau) phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, thổi vào mũi để gây hắt hơi làm bệnh nhân tỉnh lại.
Chữa ho nhiều đờm, hen suyễn, thở khò khè: quả bồ kết 1g, quế chi 1g, sinh khương 1g, cam thảo 2g, đại táo 4g. Tất cả sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày.
Chữa đau nhức răng, sâu răng: quả bồ kết để sống hoặc đốt tồn tính, tán nhỏ, đắp vào chân răng, khi nước bọt chảy ra thì nhổ đi, không được nuốt. Hoặc bồ kết 1 quả để cả hạt, nướng cho hơi cháy vỏ ngoài, nghiền nhỏ cùng với diêm sinh lấy từ 10 đầu que diêm. Ngâm với rượu trắng cho thật đặc trong 2 - 3 ngày. Muốn có thuốc dùng ngay, đun dung dịch nhỏ lửa trong vài phút. Khi dùng, nhấp ít một dung dịch ngâm trên, ngậm vào chỗ răng đau trong 10 - 15 phút rồi nhổ đi. Ngày làm 2 - 3 lần.
Gai bồ kết được thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào tháng 9 - 3. Dược liệu là những cụm gai nguyên vẹn phân nhiều nhánh (thường 2 - 7) sắp xếp thành hình xoắn ốc, đầu gai rất nhọn, mặt ngoài màu tía nâu, mặt trong màu trắng vàng, giữa là tủy màu nâu xám nhạt. Chất cứng rắn, khó bẻ gãy. Khi dùng, ngâm gai vào nước cho mềm, cắt dọc thành miếng vát mỏng, phơi hoặc sấy khô, để sống hoặc đốt tồn tính. Dược liệu có tên thuốc là tạo giác thích, có vị cay nhẹ, tính ấm, không mùi, có tác dụng chống viêm, sát khuẩn, tiêu ung độc, thông ứ.
Chữa viêm mũi, tắc nghẹt: gai bồ kết nướng tán nhỏ mịn, thổi hoặc hít bột vào lỗ mũi. Ngày làm vài lần. Hoặc gai bồ kết 10g, thạch xương bồ 10g, rễ hoa kinh giới 5g, tán thành bột, gói vào một miếng vải mỏng rồi nhét vào lỗ mũi, nằm ngửa một lúc mũi sẽ thông.
Chữa kiết lỵ ra máu mũi lâu ngày: gai bồ kết và hoa đào để sống, phơi khô; chỉ thực sao với cám. 3 vị với lượng bằng nhau, tán nhỏ mịn, luyện với mật ong làm viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30 viên với nước cơm.
Chữa nha chu viêm (chân răng sưng đau, có thể ra mủ): gai bồ kết 20g, kim ngân 20g, liên kiều 20g, ngưu bàng 12g, hạ khô thảo 12g, chi tử 12g, xích thược 8g, xuyên sơn giáp 6g, bạc hà 6g. Sắc uống ngày 1 tháng.
DSCKII. Đỗ Huy Bích
Theo suckhoedoisong.vn