Trong khi nông sản ngoại đang ngang nhiên "tung hoành" trên thị trường Việt Nam, thì các mặt hàng nông sản trong nước sản xuất hầu như đang dần "co hẹp".
Ông Nguyễn Văn Đẹp bên cạnh những dây dưa leo Ấn Độ trồng trong nhà lưới kính.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
[video]/upload/2013/Audio/RADIOVIETNAM/THANG-11/11.14NongDanNoiLaoDaoViNongSanNgoai.mp3[/video]
Tìm nguyên nhân lý giải vì sao nông sản Việt mất tính cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước, càng thấy gánh nặng đang đè lên vai của chính người nông dân Việt trên chính những mảnh vườn, cánh đồng của họ.
Trên diện tích 2.000m2 nhà kính mà ông Nguyễn Văn Đẹp, một nông dân xã Phú An – Huyện Bến Cát, Bình Dương tự đầu tư để trồng sau sạch, cung cấp cho thị trường rau sạch trên địa bàn. Từ năm 2005, ông Nguyễn Văn Đẹp đã mạnh dạn nhập công nghệ, kỹ thuật canh tác rau sạch theo tiêu chuẩn Châu Âu, đầu tư hệ thống nhà kính, cây giống, vật tư nông nghiệp … với tổng chi phí ban đầu hơn 800 triệu đồng.
Từ sự đầu tư khá bài bản này kết hợp với những kiến thức và kinh nghiệm trồng trọt, ông Đẹp hy vọng sẽ tạo ra những đột phá trong việc sản xuất ra nông sản sạch cung cấp cho thị trường trong nước. Song, đến nay ông Nguyễn Văn Đẹp rất thất vọng khi tâm nguyện và mọi nỗ lực của mình không đạt hiệu quả như mong muốn. Không thể mở rộng diện tích canh tác do thiếu vốn, thiếu cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước, không thể nhập giống tốt từ nước ngoài theo nhu cầu thị trường do vướng cơ chế… Đã vậy ông còn gặp cản trở lớn từ việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm vì phải cạnh tranh với nông sản ngọai nhập giá rẻ.
Tuy chưa đến nỗi dẹp bỏ công trình do mình tâm huyết xây dựng nên, nhưng cứ ngậm ngùi nhìn các bạn bè dần bỏ vườn, bỏ ruộng, ông Nguyễn Văn Đẹp lại thấy rất đau sót trong lòng.
Trong khi người nông dân luôn phải loay hoay với bài toán trồng cây gì, nuôi con gì, thị trường tiêu thụ ra sao… thì nông sản Việt ngày càng mất chỗ đứng trước sự “tấn công” ồ ạt của nông sản kém chất lượng nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu không có sự tiếp sức kịp thời, những người nông dân này sẽ nối gót nhau bỏ vườn, bỏ ruộng. Những hình ảnh nông sản trong nước sản xuất như thế này có thể rồi đây sẽ trở thành quá khứ.
Thực tế vẫn có một số ít nhà phân phối đang nỗ lực lội ngược dòng, đưa nông sản chất lượng của Việt Nam đến tay người tiêu dùng. Tại siêu thị Co.opmart Bình Dương hiện hơn 200 mặt hàng nông sản, thủy sản tươi sống được cung cấp mỗi ngày. Trong đó, có trên 50 mặt hàng rau, trái cây đến từ các nông trại Việt đạt chứng nhận VietGAP - tức chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. Bản thân doanh nghiệp phân phối đã chủ động hỗ trợ các nhà cung cấp tiềm năng, nhưng nếu không có sự hỗ trợ dài hơi từ phía ngành chức năng thì việc hỗ trợ vốn, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm rất dễ đứt quãng.
Hạn chế nhập khẩu các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thể sản xuất được, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu; chống nhập lậu, buôn lậu từ các vùng biên, cửa khẩu; thiết lập hàng rào kỹ thuật chặt chẽ … cần được thực hiện đồng thời.
Song song đó, chúng ta cần xây dựng lại hệ thống các tiêu chuẩn về chất lượng cho nông sản trong nước lẫn nông sản nhập khẩu từ nước ngoài; áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông sản nhập khẩu; thúc đẩy xuất nhập khẩu chính ngạch, thiết lập cơ chế hỗ trợ thông tin cần thiết cho việc khởi kiện bán phá giá trên thị trường nội địa, tăng cường tuyên truyền vận động người dân ưu tiên tiêu dùng nông sản Việt, thông tin kịp thời về những mặt trái của hàng nông sản nhập khẩu trái phép...là những việc cần làm ngay.
Và việc quan trọng cần đặt lên hàng đầu vẫn là có biện pháp hỗ trợ tích cực cho người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh cho nông sản nội,… Có như thế mới có thể đẩy lùi “ làn sóng” tấn công ồ ạt của nông sản nhập khẩu giá rẻ trên thị trường trong nước như hiện nay.
Theo Radio Việt Nam