Cập nhật: 17/11/2013 10:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mô hình bác sĩ gia đình (BSGÐ) phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Còn tại nước ta, từ hiệu quả bước đầu của mô hình này tại các thành phố lớn, Bộ Y tế cũng chính thức triển khai đề án BSGÐ giai đoạn 2013 - 2020. Mục tiêu của đề án là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGÐ trong hệ thống y tế Việt Nam, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện.

Cán bộ y tế Trạm y tế xã Dục Tú, huyện Ðông Anh (Hà Nội) kiểm tra sức khỏe cho người mắc bệnh mãn tính tại cộng đồng theo mô hình bác sĩ gia đình.    Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc phát triển mô hình BSGÐ, đến hết năm 2013, tất cả 24 quận, huyện; khoảng 30% số trạm y tế và một số phòng khám đa khoa tư nhân sẽ triển khai mô hình này. Dự kiến năm 2014 thành phố tiếp tục triển khai thêm phòng khám BSGÐ ở 50% số trạm y tế và đạt tỷ lệ 100% vào năm 2015. Giai đoạn 2016 đến 2020, ngành y tế thành phố tập trung hoàn thiện mạng lưới và mở rộng mô hình BSGÐ đến các phòng khám tư nhân, bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tuyến thành phố và hoàn chỉnh phương thức hoạt động của BSGÐ, để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân.

Sau một năm triển khai mô hình Phòng khám BSGÐ, Bệnh viện quận 10 đã tiếp nhận hơn 11 nghìn lượt người bệnh đến khám bệnh, phần lớn là những người mắc các bệnh mãn tính không lây như: hen phế quản, huyết áp, đái tháo đường... Ðáng chú ý, kết quả khảo sát của bệnh viện cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đều đạt hơn 90%. Ðể giúp người bệnh nhanh chóng và thuận lợi khi đến phòng khám BSGÐ, bệnh viện đã tổ chức quy trình khép kín, một chiều từ khâu tiếp nhận đến khám bệnh, thực hiện một số chỉ định lâm sàng, thanh toán viện phí, cấp phát thuốc, lưu trữ hồ sơ bệnh án. Phòng khám BSGÐ của  Bệnh viện quận 10 hiện có 24 bác sĩ tham gia, hoạt động khám bệnh với thời gian chín giờ/ngày và làm cả thứ bảy. Tại đây, muốn khám bác sĩ riêng để được theo dõi liên tục, người bệnh chỉ cần gọi điện thoại hẹn trước, đến đúng giờ hẹn. Tại phòng khám, các khâu đóng tiền, xét nghiệm, đến nhận thuốc đều tại chỗ, không phải đi lại nhiều.

Kinh nghiệm triển khai mô hình này tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội  cũng như số liệu của Bộ Y tế cho thấy, Phòng khám BSGÐ có thể giải quyết 80% các bệnh lý thông thường. Vì thế, trong hai năm tới, Bộ Y tế thí điểm thành lập ít nhất 80 phòng khám bác sĩ gia đình tại: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang. Sau đó sẽ nhân rộng mô hình này trên toàn quốc. Ba mô hình tổ chức BSGÐ sẽ được thí điểm gồm: Phòng khám BSGÐ tư nhân, phòng khám BSGÐ phối hợp, lồng ghép chức năng tại trạm y tế xã, phòng khám BSGÐ tại khoa khám bệnh của các bệnh viện.

Mô hình phòng khám BSGÐ khi được hình thành và phát triển sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động. Các thống kê cho thấy, phòng khám BSGÐ có thể giải quyết 80% các bệnh lý thông thường xuất hiện tại cộng đồng, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Hoạt động BSGÐ sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho người bệnh, kinh phí bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội.

Phòng khám BSGÐ được tham gia khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh nói chung và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nói riêng nếu có đủ điều kiện. Phòng khám có nhiệm vụ thực hiện sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; tham gia hệ thống chuyển tuyến. Ðáng chú ý, phòng khám BSGÐ là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị... Ðồng thời, tham gia giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trong cộng đồng dân cư; các chương trình y tế quốc gia; hướng dẫn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm; quản lý bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế.

Với mô hình bệnh tật ở nước ta hiện nay đang đan xen giữa các bệnh lây nhiễm và các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao, các bệnh viện chưa đáp ứng kịp thì mô hình BSGÐ là rất phù hợp.

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm