Cập nhật: 19/11/2013 10:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Đừng xem trường dạy thế nào mà hãy xem trường làm thế nào để dạy”, đó là câu nói vui của các thầy giáo, cô giáo ở vùng cao. Toàn xã hội đang sôi nổi bàn tán việc đổi mới giáo dục, với mục tiêu trang bị tri thức, nâng cao hiểu biết cho người học. Vậy nhưng nhiều trường học ở vùng cao trước khi nghĩ tới việc nâng cao chất lượng giáo dục lại là nỗi trăn trở: Làm thế nào để duy trì được sỹ số các lớp học. Rồi hàng tá công việc ngoài chuyên môn phải lo như: tổ chức bữa ăn cho học sinh, vận động các em bỏ học ra lớp... Đây cũng là thực tế ở trường trung học cơ sở Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Trò chơi của trẻ vùng cao. Ảnh: Hoàng Thái

Chiếc xe máy của thầy giáo Hà Vũ Lương ì ạch leo trên cung đường dốc ngoằn ngoèo, sống trâu, bụi bặm. Thỉnh thoảng đầu xe chúc xuống như tụt dốc vượt ngầm. Lúc khác, thầy gập cả người về phía trước, dùng lực ghì chặt, tránh cho lốp xe không bị hất tung khỏi mặt đất. Thầy Lương kể: Những ngày mưa, đường trơn trượt, thác lũ, sạt đồi sạt núi, sự vất vả càng tăng gấp bội. Mới về nhận công tác tại trường trung học cơ sở Kim Bon chưa đầy 1 năm, thầy giáo Lương đã không ít lần bị ngã xe. Nhà trường tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú. Từ trường xuống phố mua thực phẩm, những khi chở nặng, đường trơn, xe, người, cứ từ từ đổ. Lúc đó chỉ cần thực phẩm của học trò không rơi vãi hay dính bẩn là ổn.

"Ban giám hiệu mới năm nay đặt mục tiêu duy trì sỹ số cho học sinh là hợp lý. Nếu không tổ chức nấu ăn cho học sinh thì chưa chắc đã có học sinh đi học. Khi đã duy trì được nề nếp, sỹ số thì những năm tiếp theo, từng bước sẽ cải thiện về mặt chất lượng giáo dục. Thời điểm này còn đông học sinh, chứ đến tháng tết của người Mông, các em học sinh lớp 6 về nhà ăn Tết bị trai bản bắt vợ, bỏ lớp đi lấy chồng, trường lại bị hụt sĩ số"- Thầy Lương tâm sự.     

Trường cấp 2 Kim Bon nằm chênh vênh bên sườn núi. 280 học sinh đăng ký tham gia học tập từ đầu năm. Trong đó, 150 em được hưởng chế độ học sinh bán trú theo quyết định 85 của Chính phủ, còn lại 130 em không thuộc đối tượng được hỗ trợ thì thường bỏ buổi học chiều.

Thầy giáo Lò Văn Thiết, Hiệu phó trường Tiểu học Kim Bon bộc bạch: Ở nơi khó khăn này, trước khi nghĩ đến nâng cao chất lượng giáo dục phải đảm bảo được sĩ số học sinh. Kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành giáo dục ở vùng cao cho thấy, giải pháp tốt nhất để các em ra trường, ra lớp chuyên cần là lo bữa trưa cho các em. Với những học sinh có chế độ hỗ trợ theo Quyết định số 85/CP của Thủ tướng Chính phủ, các em được ăn cơm hai bữa trong ngày. Khó nhất vẫn là những em không thuộc đối tượng hưởng chính sách. Với quãng đường dài, cha mẹ không đủ điều kiện đưa các em đi học bằng xe máy, đường dốc, các em không thể đi xe đạp nên đa số đành bỏ giờ lên lớp buổi chiều.

Hết giờ học sáng, em Giàng A Chủng, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Kim Bon tự mình nấu cơm. A Chủng còn có 1 em trai đang học lớp 2. Bữa cơm của hai anh em thường chỉ chấm muối trắng. Thỉnh thoảng các em tự cải thiện bữa ăn bằng cách săn chuột nhắt hoặc chim rừng, nhưng kể cả vậy, những con vật trên cũng không có nhiều. Ảnh: Hoàng Thái

Không giống niềm vui của các thầy giáo, cô giáo thành thị là khoe thành tích học tập của học trò mỗi khi nói về chuyện nghề nghiệp. Các thầy giáo, cô giáo ở miền núi, vùng cao thường kể về việc duy trì được sỹ số lớp học đạt trên 50%. Nghề dạy mà không có trò thì còn hào hứng gì?. Học sinh ở vùng thấp chuyên cần đã thành nếp. Trên núi, các em đi bộ khoảng 1 tiếng rưỡi đến lớp buổi sáng, trưa cũng từng đấy thời gian đi bộ về. Đường xa, không đủ thời gian quay lại kịp giờ học chiều, đành bỏ. Chỉ học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ, các em ở lại trường ăn trưa, chiều đến sẽ lên lớp.

Thào A Của, học sinh lớp 9B trường Trung học cơ sở Kim Bon ngọng nghịu: "Bố mẹ động viên em đi học, bố mẹ bảo học hết cấp 2, cấp 3. Trước đây em còn nhỏ, nhà trường không nấu ăn, em phải tự nấu. Bây giờ có nhà trường nấu cho ăn, em không vất vả nữa".

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày tri ân các thầy giáo, cô giáo. Ở miền núi, vùng cao, giữ được niềm vui để thu hút các em đến trường, đến lớp đã là phần thưởng lớn nhất dành cho giáo viên. Cô Đinh Thị Nghiệp, giáo viên môn Văn trường trung học cơ sở Kim Bon tâm sự: "Nghĩ về ngày Nhà giáo, tôi tự động viên mình phải vui để học sinh thấy cô giáo vui. Như thế sẽ động viên các em ra trường, ra lớp".

Việc dạy và học ở vùng cao Tây Bắc chẳng khác nào một kỳ tích. Ở đó trẻ đi bộ đến trường. Trẻ quấn chăn ngồi học. Trẻ khoanh những nét tròn trên nền đất dốc thay cho những trò chơi xích đu, tàu lượn. Còn các thầy giáo, cô giáo thì ngày đêm miệt mài chở từng chuyến thực phẩm, nấu những bữa cơm thay cha, chăm những cọng rau thay mẹ, nỗ lực duy trì sĩ số để dạy chữ cho học trò./.

Theo Hoàng Thái/VOV.VN

Tệp đính kèm