Cập nhật: 26/11/2013 10:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,8% mà Quốc hội đặt ra.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:

[video]/upload/2013/Audio/RADIOVIETNAM/Nam2014TangTruongKinhTeLaHoanToanCoCoSo.mp3[/video]

Các chuyên gia kinh tế cho rằng con số tăng trưởng GDP 5,8% mà Quốc hội đặt ra cho năm 2014 là con số đã có sự cân nhắc, dựa trên bối cảnh kinh tế vĩ mô của nước ta đã cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát và dự báo nền kinh tế thế giới năm 2014 sẽ tiến triển tốt hơn. Bên cạnh đó, những biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đời sống như vấn đề tín dụng, lãi suất, tỷ giá, giảm thuế,... sẽ tạo tiền đề rất tốt cho những năm tiếp theo.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhận định: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới tốt hơn thì chắc chắn Việt Nam có thêm động lực tăng trưởng. Thứ hai là một số chính sách chúng ta thực hiện cuối năm 2013 sẽ phát huy tác dụng tốt vào năm 2014, đặc biệt là chính sách giảm thuế, giảm lãi suất… như vậy sẽ tạo ra một động lực tăng trưởng tốt cho doanh nghiệp, cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp 2014 sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn. Những quyết sách mới dựa trên cơ sở những cân nhắc, kinh nghiệm và những kết quả năm nay sẽ được áp dụng trong những năm tới cũng sẽ tạo động lực tốt cho năm sau. Trên tinh thần đó, con số 5,8% là con số có tính khả thi.”

Số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Trong quý I đã tăng 4,76%, quý II tăng 5%, quý III tăng 5,54%. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý IV sẽ tăng từ 5,6 đến 5,7%. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định năm 2014 tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất kinh doanh... Đây chính là động lực thúc đẩy kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong năm tới.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Hiệu Phó Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia phân tích: Những thách thức của nền kinh tế đã được phân tích, nhận diện rõ và đang từng bước được tháo gỡ. Cụ thể những Nghị quyết để hỗ trợ sản xuất kinh doanh bước đầu đã được đánh giá cả mặt ưu điểm và khuyết điểm để rút kinh nghiệm. Đồng thời, thời gian vừa qua nước ta đã ưu tiên cho việc hoàn thiện thể chế, văn bản pháp luật, nghị định, thông tư để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Do vậy quá trình tái cơ cấu sẽ nhanh hơn trong năm 2014 và năm 2015.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, việc phát huy những ưu điểm trong chính sách kinh tế cũng là một giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu 5,8% trong năm 2014.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói: “Một trong những vấn đề căn cơ nhất là chúng ta tiếp tục duy trì những điểm sáng trong năm 2013. Cụ thể như chúng ta phải kìm chế được, kiểm soát được lạm phát, giữ lãi suất ở mức thấp. Chúng ta phải tạo lập được một tỷ giá hợp lý và ổn định. Cán cân thương mại chúng ta cũng phải kiểm soát được nhập siêu ở mức vừa phải tức là vào khoảng 6%. Đồng thời chúng ta cũng phải thúc đẩy việc tăng trưởng xuất khẩu. Đi kèm với đó chúng ta phải giải quyết những khó khăn của các doanh nghiệp đang đặt ra. Chính phủ phải dứt điểm, tức là đi tận gốc của vấn đề những khó khăn của doanh nghiệp và bằng mọi cách chúng ta phải tháo gỡ những khó khăn đó thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được.”

Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, cùng với các chính sách vĩ mô khác sẽ tạo tiền đề cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế. Vấn đề là cần thực hiện có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã xác định trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó cần chú trọng tới cải thiện thủ tục hành chính để cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, đầu tư.

Tiến sỹ Trần Du Lịch nói: “Với tất cả tiềm lực của nền kinh tế và sự năng động của doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ như khu vực FDI, đầu tư nước ngoài, đều là tăng tốt cả, môi trường đầu tư cũng tốt. Vấn đề là chúng ta có kiểm soát vĩ mô cho tốt, một cơ chế rõ ràng. Hiện nay năng lực cạnh tranh quốc gia, xếp hạng Việt Nam vẫn đứng thấp so với nhiều nước trong khu vực. Và chúng ta phải cải thiện được môi trường thủ tục hành chính, làm sao bộ máy hành chính Nhà nước thực sự là người hỗ trợ doanh nghiệp chứ không phải nơi làm khó doanh nghiệp. Thì khi đó chúng ta tăng trưởng không có gì khó cả.”

Bên cạnh những thuận lợi các chuyên gia kinh tế cũng còn băn khoăn về nguy cơ lạm phát tăng trở lại, vấn đề nợ xấu, tình trạng doanh nghiệp phá sản… vẫn là những thách thức trong phát triển kinh tế đất nước trong năm tới. Chính phủ cũng đã nhìn nhận rất rõ những thách thức này và đã xác định rõ ràng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2014. Vấn đề là phải triển khai một cách kiên quyết, có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi mức tăng trưởng 5,8% đề ra cho năm 2014.

Theo Radio Việt Nam

Tệp đính kèm