Trong chuyến thăm tới Đức của phái đoàn các nhà lập pháp Mỹ do Thượng nghị sĩ Chris Murphy dẫn đầu, 2 bên đã nhất trí thúc đẩy các nỗ lực xây dựng lại niền tin trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Thượng nghị sĩ Murphy (trái) và Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle (giữa) tại cuộc họp báo nhân chuyến thăm của ông Murphy tới Đức (Ảnh Getty Images)
Thượng nghị sĩ Murphy đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle và cố vấn của Thủ tướng Đức Christoph Heusgen.
Phát biểu với báo giới sau các cuộc thảo luận, ông Murphy nhấn mạnh: “Mối quan hệ Mỹ và Đức có tầm quan trọng tới mức không để những cáo buộc và những tiết lộ về hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ làm ảnh hưởng quan hệ đối tác kinh tế và an ninh sống còn. Tôi sẽ báo cáo với trước Thượng viện và chính phủ Mỹ về những nỗ lực của chúng ta để hàn gắn quan hệ và xây dựng lại sự tin tưởng”.
Phía Đức cũng khẳng định 2 điều kiện để hàn gắn quan hệ với Mỹ, đó là sự minh bạch và những quy tắc rõ ràng trong tương lai.
Ngoại trưởng Đức Westerwelle nói: “Sự tin tưởng đã mất đi và chúng ta phải cùng nỗ lực để xây dựng lại nó. Chúng ta đều biết rằng sự cân bằng giữa an ninh và quyền cá nhân là điều cần thiết. Đây chính xác là lập trường của chúng tôi trong các cuộc thảo luận với Mỹ”.
Ảnh hưởng từ vụ bê bối nghe lén của Mỹ làm gia tăng căng thẳng chưa từng có với các đồng minh châu Âu, khi cả Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy đều có tên trong danh sách nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Hàng chục triệu cuộc điện thoại tại Pháp và Tây Ban Nha đã bị theo dõi trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, thông tin do báo chí Đức công bố đã khiến các nhà lãnh đạo nước này phải nổi giận với đồng minh truyền thống Mỹ. Báo Tấm gương (Der Spiegel) của Đức cho biết, Mỹ có thể đã nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong suốt 10 năm qua.
Thậm chí Đức còn muốn đưa vụ việc này ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhằm tìm kiếm một nghị quyết mạnh mẽ để phản đối chương trình nghe lén của Mỹ.
Ngày 26/11, Thượng nghị sĩ Murphy sẽ tiếp tục tới Brussels, Bỉ, để tìm giải pháp xoa dịu “sóng gió ngoại giao” với châu Âu sau bê bối nghe lén./.
Theo Hoàng Lê/VOV.VN