Cập nhật: 02/12/2013 09:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các công ty gas đồng loạt áp dụng giá bán lẻ mới với mức tăng sốc. Sau khi nhảy vọt lên thêm 78.000-79.000 đồng/bình 12kg, giá gas đến tay người tiêu dùng leo lên mức 485.000-491.000 đồng/bình.

bà Năm Đẹt (P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mua một bình gas 12kg với giá 405.000 đồng. Nhờ mua sớm một ngày, bà tiết kiệm được gần 80.000 đồng, một khoản tiền không nhỏ đối với gia đình bà- Ảnh: Thanh Đạm

Nghe nội dung chi tiết tại đây:  

[video]/upload/2013/Audio/RADIOVIETNAM/THANG-12/12.02SocVoiGiaGaTang.mp3[/video]

Các công ty kinh doanh gas lấy lý do giá thế giới tăng, nhưng thực tế lượng gas sản xuất trong nước mới chiếm thị phần áp đảo. Các chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường gas chưa thật sự có cạnh tranh theo hướng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Lập kỷ lục mới

Đồng loạt nhiều công ty gas tại TP.HCM như Saigon Petro, Petrolimex, Gia Đình Gas, Pacific Gas... công bố mức tăng giá “khủng” 78.000-79.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, giá gas bán lẻ vọt lên, phổ biến ở mức 485.000-491.000 đồng/bình, phá tất cả kỷ lục đã lập trước đó. Trước đó, gas trong nước lập kỷ lục về giá hồi tháng 3/2012 cũng chỉ dao động ở mức 477.000-480.000 đồng/bình.

Theo lý giải của các công ty gas, gas trong nước tăng giá đột biến do giá gas thế giới nhập khẩu trong tháng 12 tăng 267,5 USD/tấn (lên mức 1.162,5 USD/tấn).

“Chính chúng tôi cũng choáng váng khi giá gas nhập khẩu thế giới đột nhiên tăng mạnh. Thậm chí các chuyên gia nhận định về giá gas thế giới cũng bất ngờ do không có nhiều cơ sở thông tin để nhận định giá gas tăng. Bởi giá dầu thế giới hiện đang ở mức ổn định, thậm chí giảm nhẹ. Việc tăng giá đột biến này giống giai đoạn tháng 3/2012 với các dấu hiệu đầu cơ trên thị trường gas thế giới” - bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, phó giám đốc Công ty gas Petrolimex Sài Gòn, nhận định

Thị trường gas trong năm 2013 được đánh giá khá bình yên về giá nếu không có sự tăng vọt vào dịp cuối năm. Trước đó, trong khoảng năm tháng đầu năm giá gas bán lẻ liên tiếp giảm.

Những tháng sau đó, giá gas trồi sụt đan xen khá đều đặn. Trong đó mức tăng cao nhất được ghi nhận vào tháng 11 ở mức 18.000 đồng/bình, nâng giá gas bán lẻ phổ biến khoảng 410.000 đồng/bình.

Theo khảo sát, việc kinh doanh gas ở các cửa hàng, đại lý tại thị trường TP.HCM vẫn diễn ra khá ổn định. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng cho biết đơn vị kiểm tra việc kinh doanh gas tại các cửa hàng bán lẻ nhưng chưa ghi nhận tình trạng bán hàng không theo giá niêm yết.

Trong khi đó, tình trạng tập trung gom hàng từ các tổng đại lý thời điểm vài ngày cuối tháng diễn ra khá phổ biến. Nhiều tổng đại lý nghe thông tin giá gas tăng lập tức tranh thủ thu gom các vỏ bình tích trữ trước đó để mua hàng chờ tăng giá kiếm lời.

Tuy nhiên, đại diện công ty gas tại TP.HCM cho biết thị trường trong nước không có nhu cầu tăng gas đột biến, do đó đã thẳng thắn từ chối những đơn hàng mua mới tăng vọt từ đại lý lớn để tránh xáo trộn thị trường.

Không sòng phẳng với người tiêu dùng

Mặc dù các công ty kinh doanh gas cho biết giá thế giới tháng 12 sẽ tăng lên mức 1.162,5 USD/tấn, tức tăng 267,5 USD/tấn khiến giá gas trong nước buộc phải tăng theo, tuy nhiên thực tế các doanh nghiệp chưa thể nhập gas với mức giá trên.

Gas bán ra thị trường trong ngày 1/12 vẫn là gas đã nhập trong tháng 11, theo giá tháng 11 nên việc tăng giá ngay vào đầu tháng 12 là không sòng phẳng với người tiêu dùng.

Thực tế, giả sử mức tiêu thụ gas tương đương năm 2012, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước vẫn còn tồn kho lượng lớn gas đã nhập khẩu. Tháng 10/2013, lượng nhập khẩu gas vào khoảng 76.000 tấn. Tháng 11/2013, Tổng cục Thống kê cho biết lượng nhập ước khoảng 80.000 tấn.

Trong khi đó, với thị phần gas sản xuất trong nước đang chiếm khoảng 57,68%, các doanh nghiệp có thể có tồn kho lượng lớn gas nhập khẩu. Tính trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 52.160 tấn gas nhập khẩu, tháng 10-2013 lượng tồn kho vào khoảng 23.840 tấn và tháng 11-2013 ước khoảng 27.840 tấn.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng đáng lẽ Bộ Công thương cần phải xem xét lượng gas tồn thực tế hiện nay là bao nhiêu trước khi cho doanh nghiệp tăng giá. Việc doanh nghiệp còn tồn hàng, gas nhập theo giá mới chưa về VN mà đã tăng giá bán là không sòng phẳng với người tiêu dùng. Cơ quan quản lý nhà nước đáng lẽ phải vào cuộc về vấn đề này.

Cũng theo ông Doanh, giá gas trong nước hiện nay đang điều chỉnh theo giá thế giới cũng là hình thức không minh bạch. Bởi hiện nay gas sản xuất trong nước đã chiếm thị phần áp đảo. Theo quy luật kinh tế, đãng lẽ gas sản xuất trong nước phải giữ vai trò dẫn dắt thị trường.

Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoài Giang, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn - một trong những nhà cung cấp gas lớn trong nước, cho biết gas sản xuất trong nước được đấu thầu sáu tháng một lần. Tuy nhiên, giá bán từng thời điểm cụ thể phải dựa theo biến động giá thế giới và giá gas trong nước.

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng cách vận hành thị trường gas hiện nay không minh bạch. Doanh nghiệp kinh doanh gas đồng loạt đón đầu tăng giá trong khi không công khai mức tồn trữ của họ là bao nhiêu, thời điểm nào trong tháng 12/2013 gas nhập theo giá mới sẽ về VN và đưa ra thị trường. Khi không công khai, minh bạch thì doanh nghiệp kinh doanh gas có cơ hội ôm lời lớn từ việc đón đầu tăng giá trước từ nguồn gas sản xuất trong nước.

Lượng tồn kho gas ở mỗi doanh nghiệp là khác nhau nhưng các doanh nghiệp này đồng loạt tăng cùng thời điểm. “Ở đây đang có biểu hiện của một mối liên kết thầm lặng mà pháp luật không kiểm soát đến. Đáng lẽ Cục Quản lý cạnh tranh cần vào cuộc xem có sự thống nhất cùng tăng một thời điểm hay không?” - ông Doanh đặt vấn đề.

Theo Radio Việt Nam

Tệp đính kèm