Hà Nội, mảnh đất nghìn năm văn hiến, nơi tập trung tinh hoa của dân tộc Việt, mảnh đất của 36 phố nghề phường hội đông vui. Tết Hà Nội đa dạng do con người từ nhiều nơi tụ họp về đây, nên tất cả những nét đặc trưng của từng địa phương đã được tập trung và chắt lọc.
Qua thời gian, cái hay cái đẹp được giữ lại và phát triển theo cấp sinh hoạt thị thành, tạo nên một lối sống phong lưu của con người lịch thiệp và tinh tế về mọi mặt. Bởi vậy, từ xa xưa người Hà Nội đã có tiếng là khéo léo và lịch lãm. Đến ngày tết, sự khéo léo và lịch lãm ấy càng được bộc lộ hơn bao giờ hết.
Nói về tết Hà Nội khó có thể tách bạch ra đây là tết kiểu ngày xưa hay tết thời hiện đại. Bởi dân tộc Việt Nam đón tết theo âm lịch, nên tất nhiên những lề lối phong cách đều phải theo quy luật của dòng chảy, tuân theo một chuẩn mực vô hình của phong tục, mà cho dù thời thế có thay đổi, nhưng sự thay đổi đó vẫn phải nằm trong một cái khung cố định để phù hợp với từng thời đại và từng hoàn cảnh.
Vào những ngày cuối năm, khi Hà Nội đang chìm trong giá lạnh của gió mùa Đông Bắc thì ngoài đường phố lại bừng lên màu sắc của tết Nguyên Đán. Đó là màu xanh của cây cối, của lá dong, màu đỏ của đào bích, sắc hồng của đào phai, vàng tươi của quất, bưởi, phật thủ, cam đường... như báo hiệu một mùa xuân đang đến.
Từ xưa, đất Hà Nội cũng là chỗ tập trung của tinh hoa và tài năng nên người Hà Nội cũng đã có tiếng là khéo léo và tinh tế trong việc chế biến cũng như thưởng thức các món ăn, và để đón một cái tết cổ truyền, ngay từ tháng 10 âm lịch các bà nội trợ đã bắt đầu chuẩn bị.
Gạo nếp, đậu xanh gói bánh, nấu chè là cái trước tiên phải lo tới, sau đó đến các loại đồ khô khác như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương... cũng phải được mua ngay. Đến đầu tháng chạp, người ta bắt đầu lo đến vại dưa hành, ít lạp sườn, hũ trứng muối, chè mạn ngon... và cũng không quên mua một quả gấc nếp đỏ tươi treo trên giàn bếp để thổi xôi cúng tất niên và thắp hương sáng mùng 1.
Đi các chợ ở Hà Nội vào khoảng giữa tháng chạp, người ta đã thấy bán những bó lá dong để gói bánh chưng và giò. Người Hà Nội bây giờ ít nhà còn gói bánh, mà tất cả là nhờ vào dịch vụ, vả lại bây giờ cuộc sống cũng đầy đủ hơn xưa nên lượng bánh chưng của mỗi nhà cũng chỉ cần một vài chiếc là đủ. Đời sống hiện tại quả là mọi thứ đều tiện lợi, làm cho con người được giảm bao nỗi lo toan, nhưng tiếc rằng sự thú vị khi ngồi canh bên nồi bánh chưng, háo hức đợi những chiếc bánh nhỏ xíu thì trẻ em Hà Nội chỉ có thể đọc thấy trong truyện.
Nhưng cuộc sống vẫn là cuộc sống, cuộc sống càng hiện đại thì mọi việc phải đi vào chuyên môn hóa, vì vậy công việc làm mứt tết, ngày xưa thường là của riêng phụ nữ Hà thành, bây giờ đã có những cửa hiệu chuyên bán mứt. Thế nhưng ở Hà Nội vẫn có những gia đình thích tự tay mình làm mứt tết, vì đó cũng là dịp rèn luyện kỹ năng gia chánh của những nhà có con gái lớn, và ắt hẳn mứt của họ cũng mang phong cách riêng.
Ngoài mứt tết, người ta còn chuẩn bị cả các loại bánh. Ngày xưa, bánh ngọt ngày tết của Hà Nội là bánh chè lam, bánh vẽ, bánh huê cầu làm bằng gạo nếp. Bánh vẽ của làng Vẽ to bằng quả trứng gà, nở phồng, bên trong xốp rỗng ăn giòn tan ngay đầu lưỡi với vị ngọt thanh. Bánh huê cầu của làng Xuân Cầu cho vào chảo mỡ đang sôi, bánh sẽ nở xòe to, ăn giòn tan mà lại béo ngậy, ngọt ngào.
Các bà nội trợ tin rằng, nếu sáng mùng 1 rán được bánh huê cầu nở to đẹp như bông hoa là điềm năm ấy cả nhà nhiều niềm vui. Từ khi Pháp xâm lược, nhất là sau những năm 1930, Hà Nội bắt đầu phổ biến các loại bánh làm bằng bột mỳ như quy bơ, săm pa, bánh quạt kẹp kem và các loại kẹo bọc giấy...
Nhưng dường như ngày tết ăn đồ ngọt mãi cũng chán nên nhiều người, nhất là phụ nữ và trẻ em, lại thích cắn hạt dưa hơn, vì nó vừa vui miệng, vừa được thưởng thức chút dư vị bùi bùi thơm thơm ít ỏi, như chỉ thoáng qua ngay đầu lưỡi. Đây vốn là sản phẩm của đất Nam Bộ, nhưng từ năm 1945, hai miền tạm chia cắt không có hạt dưa, người Hà Nội đã dùng thay hạt bí.
Bánh mứt ngọt mà không có cốc nước chè (trà) nóng thì quả là mới chỉ thưởng thức một nửa, nên từ xa xưa phố Hàng Ngang đã bày bán đủ các loại đồ uống này: chè mạn, chè Thiết Quan Âm, chè ướp các loại hoa sen, nhài, ngâu, sói, thủy tiên... đựng trong lọ sành, bao thiếc. Vào những thập niên cuối thế kỷ trước, Hà Nội đã xuất hiện cả các loại chè hoa quả, chè đen, chè nhúng... để phục vụ khẩu vị của những người ưa của lạ hay thích sự tiện lợi, sành điệu.
Càng gần ngày tết, đường phố và chợ càng tấp nập. Người Hà Nội không chỉ lo đón tết bằng vật chất mà còn lo cả về mặt tinh thần. Lúc này cũng là lúc trong mọi gia đình đang dọn dẹp nhà cửa, để ý tới quần áo của mình và con cái sao cho mọi người đều được tươm tất trong những ngày xuân. Người Việt lấy tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên làm gốc nên bàn thờ gia tiên lúc này cũng được lau chùi, chỉnh sửa và sắm dần các lễ vật như vàng hương, đồ mã, hoa giấy... và mâm ngũ quả tươi tắn đủ màu tượng trưng cho sự tồn tại của ngũ hành, cũng được trang trọng đặt trên bàn thờ.
Sau khi nhà cửa đã tinh tươm, đó cũng là lúc phải trang hoàng nhà. Người Hà Nội từ xưa đã cho rằng tết mà không có câu đối và tranh thì gian nhà như thiếu sự hòa hợp của màu sắc, tức là thiếu sự thoải mái của tinh thần, thì cho dù cỗ bàn có sang đến đâu cũng chưa đủ không khí tết.
Người xưa treo câu đối đỏ và những bức tranh dân gian mộc mạc, thể hiện ước mơ về một cuộc sống thái bình sung túc, người nay lại treo những bức tranh phong cảnh, tranh hoa rực rỡ theo gu thẩm mỹ của chủ nhân, Trong những năm gần đây, những người Hà Nội ưa lối cổ lại chọn một chữ Tâm, Phúc, Đức hoặc Nhẫn viết theo lối thư pháp để treo, như bộc lộ tâm nguyện của lòng mình.
Thế nhưng nói đến tết Hà Nội, mà chưa nhắc đến chợ hoa thì dù có nói nhiều đến mấy cũng vẫn là chưa đủ. Chợ hoa Hà Nội, một loại chợ đã có từ cổ xưa, có lẽ từ ngày mảnh đất này còn mang tên Thăng Long, họp từ ngày 23 tháng Chạp đến đêm giao thừa. Trước đây, chợ hoa họp trong chợ Cầu Đông (một góc chợ Đồng Xuân và đầu đường Hàng Đường ngày nay) sau đó chuyển xuống phố Hàng Cháo, Hàng Lược đến đầu Hàng Cót.
Những người đi chợ hoa đều mặc đẹp, vì họ đi không chỉ để mua hoa mà còn để ngắm người. Người đi chợ trong gió lạnh và mưa bay, nhưng chẳng ai có vẻ vội vã. Chợ hoa tết có nhiều thứ hoa, nhưng loại hoa được người Hà Nội ưa chuộng nhất trong ngày tết là đào, quất, cúc và nhà phong lưu thì chọn thêm giỏ thủy tiên. Chợ hoa bây giờ có nhiều hoa lạ, nhưng vào ngày tết, người ta vẫn không quên đào, quất, còn những loại kia chỉ là mua thêm theo sở thích.
Chiều 30 tết, nhà nào cũng làm cỗ cúng tất niên, mâm cỗ tết khác hẳn ngày dưng, trước đây mâm cỗ tết thường có 4 bát 6 đĩa, phong lưu thì 8 bát, 8 đĩa thì mới gọi là sang, là biết thưởng thức. Người Hà Nội vốn chuộng hình thức nên mâm cỗ cũng được trình bày đẹp mắt với màu sắc hài hòa. Khoảng 5 giờ chiều, đường phố dường như đã vãn hẳn, chợ búa còn lác đác người mua, còn các quầy hàng thì đang dọn dẹp. Trong mọi nhà, mọi người dường như đã có mặt bên bàn thờ gia tiên để làm lễ tiễn năm cũ, khấn mời ông bà, cha mẹ đã khuất núi về hưởng hương hoa đón năm mới cùng con cháu.
Sau bữa cỗ tất niên, mọi người sửa soạn đi chơi giao thừa. Hồ Gươm là nơi đông khách nhất; đường phố bây giờ đã mở rộng thêm nhiều, nhưng người Hà Nội cũng đông lên gấp bội nên đôi khi vẫn phải chen chúc. Đi chơi xuân, xem bắn pháo hoa, rồi vào lễ đền Ngọc Sơn đến lúc về đem theo cả lộc cành lẫn lộc thánh.
Chỉ còn vài phút nữa là sang năm mới, trong mọi nhà đều chuẩn bị cúng giao thừa. Nén hương trên bàn thờ gia tiên đã được thắp lên, tính sao cho hương cháy 1/3 là đến giao thừa. Cây hương chính là cầu bắc từ năm cũ sang năm mới... Bỗng xa văng vẳng tiếng chuông chùa rồi cả không gian âm vang tiếng pháo nổ nhất loạt như đánh thức cả một vùng trời đang tĩnh lặng. Ngày xưa là từng tràng pháo nổ, ngày nay là pháo hoa đủ hình đủ vẻ... rồi trên các hệ thống phát thanh, truyền hình vang lên lời chúc tết của các vị lãnh đạo nhà nước.
Buổi sáng mùng 1 đường phố Hà Nội vắng lặng, thanh bình, thoáng đãng. Đây cũng là một buổi sáng tĩnh lặng duy nhất trong năm. Trong các nhà, mọi người cũng đã thức dậy.
Bàn thờ được thắp thêm hương, mọi người đã ăn mặc tươm tất, lúc này là lúc con cháu lần lượt đến chúc thọ ông bà, cha mẹ, rồi sau đó người lớn lại mừng tuổi cho trẻ.
Nhà nào cũng làm mâm cơm cúng đón buổi sáng đầu tiên. Tết Hà Nội lạnh nên món thịt đông là không thể thiếu... khi cơm nước đã xong xuôi là chuẩn bị xuất hành, có nhà cẩn thận đã cử người đi đầu tiên phải theo hướng chỉ dẫn của sách vạn sự. Lúc này định đi đâu người ta đã tính sẵn, thường là mùng 1 dành cho những nơi quan trọng: người dưới đến người trên, chi dưới đến thắp hương ở bàn thờ chi trưởng. Ngoài đường, người đi cũng đông dần lên; các đền chùa nườm nượp người đến lễ bái, cầu xin sức khỏe và mọi việc trong năm mới được hanh thông...
Mùng 3 hoặc mùng 4 mọi nhà lại làm lễ hóa vàng cúng tiễn tổ tiên, đốt đồ mã, tiền giấy biếu các cụ về cõi âm tiêu dùng, sau đó mới lại yên tâm chuẩn bị cho một năm làm ăn mới... nhưng phải đến ngoài rằm, nếp sinh hoạt của người Hà Nội mới thực sự bước vào một năm làm ăn bận rộn.
Theo VGPNEWS